DrNguyenViet.com >
News
>
Discoveries
Tượng những người da đen lạ phát hiện ở Đông Sơn (Thanh Hóa) [6/17/2012]
Những cuộc giao lưu kỳ bí từ 2000 năm trước
Nguyễn Việt
Năm 1977, lần đầu tiên xuất hiện trên tạp chí “Khảo cổ học” của Viêt Nam một bức ảnh tượng một người da đen được các nhà nghiên cứu khai quật lại địa điểm khảo cổ học Đông Sơn nổi tiếng. Đó là một bức tượng đồng màu xanh đen cao khoảng 12cm, tạo hình theo lối khuôn sáp (wax lost casting). Nghệ nhân tạo tượng thể hiện một thanh niên tóc xoăn ngắn, mắt lồi, miệng nhô, trên mỗi bên má có hai vạch ngắn song song như cách người da đỏ Nam Mỹ trang trí trên mặt. Bức tượng ở trần thể hiện dáng đứng rất lạ : chân phải đứng thẳng trong khi trái vắt lên cao được nâng đỡ bởi cánh tay trái. Trong khi đó, cánh tay phải vòng cong như phối hợp cùng với chân trái ôm che một vật gì đó. Đặc biệt dương vật (penis) phóng đại rất lớn. Tại phần cổ và thắt lưng hiện hai đường ngấn lõm như kiểu thể hiện ngấn áo hay quần, nhưng thực tế cách để lộ dương vật và hoa vú cho thấy đây là một tượng khỏa thân (hình 1). Những yếu tố kỹ thuật rất đặc trưng để lại trên pho tượng như vết đậu rót xoắn đinh ốc ở háng, cách vuốt mỏng bàn chân, bàn tay và khía tinh hình móng chân, cách chấm tròn tạo hoa vú và mắt, ngấn ở cổ và thắt lưng, cách chấm tạo kiểu tóc xoăn ngắn (negrito "peppercorn hair")...khiến cho pho tượng khác hẳn mọi nền nghệ thuật cổ đã phát hiện ở Việt Nam cũng như trên thế giới.
Hình 1 : Tượng đồng da đen do GS Diệp Đình Hoa phát hiện ở địa điểm Đông Sơn (Thanh Hóa), công bố trên TC "Khảo cổ học" năm 1977
Năm 1987, mười năm sau khi bức ảnh pho tượng nam được công bố, một ông già nông dân từ làng Đông Sơn (Thanh Hóa) mang đến Viện Khảo cổ học tại Hà Nội một pho tượng nữ bằng đồng màu xanh nâu có kích thước và phong cách nghệ thuật hoàn toàn giống với pho tượng nam nói ở trên. Theo lời ông, đó là hiện vật đào được ngẫu nhiên trong khu vực phân bố di tích văn hóa Đông Sơn.
Pho tượng còn khá nguyên vẹn, duy chỉ có phần nửa đùi chân bên trái của bức tượng đã bị gãy. Nếu đầu của tượng nam tròn vo thì đầu tượng nữ được vuốt nhọn như thể đội mũ, nhưng cách thể hiện phủ kín những búi tóc xoăn ngắn chứng tỏ đầu tượng nữ không đội mũ. Khuôn mặt pho tượng này cũng thể hiện rõ những đặc tính “Phi châu” : tóc xoăn, cặp môi dày, nhô và đôi mắt lồi. Trên hai má đều có hai đường rạch ngắn song song giống như pho tượng nam đã công bố (hình 2,3).
Hình 2,3 (phiên bản composit – plastic duplicated) : Bức tượng đồng da đen thứ hai phát hiện ở Đông Sơn (Thanh Hóa)
Pho tượng nữ này có cặp vú nổi cao. Trên đỉnh núm vú in hai vòng tròn đồng tâm thể hiện nhũ hoa. Các đầu vuốt và khía móng đặc trưng của bàn chân, bàn tay cũng như phần lồi ra của chỗ rót đồng có hình xoắn đinh vít bên hông cũng hoàn toàn giống pho tượng nam đã công bố. Rõ ràng đó là một cặp tượng, trong đó tượng nữ mặt ngửa lên trời, hai chân như muốn khép, một tay che mặt, một tay che bộ phận sinh dục, được đặt gọn trong vòng tay, chân của tượng nam. Quả là một sự hội ngộ kỳ thú !
Sự tinh tế của hai pho tượng cũng như nguồn gốc bí ẩn của chúng đã thu hút công sức tìm tòi của tác giả bài viết này từ gần ba chục năm nay. Cho đến một ngày, tại một vùng xa cách hàng ngàn km về phía nam Đông Sơn, một cuộc gặp gỡ bất ngờ đã hé mở con đường tìm ra mối giao lưu tiền sử kỳ bí vào loại nhất trong cuộc đời hơn 40 khai quật và nghiên cứu khảo cổ học của tác giả.
Câu chuyện xảy ra vào mùa thu năm 2009. Trong một chuyến điền dã xuyên Việt, tôi đã dừng chân tại thị trấn Châu Ổ (Quảng Ngãi). Sau khi hoàn tất các việc phúc tra, giám định, làm tư liệu sưu tập Gò Quê chúng tôi chuẩn bị lên đường đi tiếp Quy Nhơn, Khánh Hòa vào thành phố Hồ Chí Minh để đi các tỉnh Miền Tây. Lâm Dũ Xênh – chủ nhân sưu tập Gò Quê, xin được cùng đi theo xe. Khi xe chuẩn bị lăn bánh, bỗng Xênh gọi tôi giật dọng : “Thầy ơi, xin thầy xem cái nầy đã”. Anh đưa tôi coi một bức tượng nhỏ bằng đồng. Ngay lập tức tôi không thể tin được ở mắt mình. Đó là một pho tượng đồng đúc như cùng ở một lò đúc với hai bức tượng kể trên thể hiện một người đàn ông da đen ở trong tư thế khỏa thân, ngồi gập gối, chiều cao khoảng 11-12cm với mớ tóc soăn ngắn, cặp môi dày, đôi mắt to, trên hai má hiển hiện hai nhát rạch trang trí. Hai tay và dương vật đã bị người dân bẻ gãy đem đến thử vàng ở hiệu kim hoàn (Hình 5,6,7). Chỉ nhìn lướt qua khuôn mặt ba bức tượng có thể nhận ra ngay họ là một gia đình. Bức tượng vừa nói tới cũng có chiếc đầu tròn vo bên trên chấm nhỏ tạo các búi tóc xoăn ngắn.
Hình 4,5,6 : Bức tượng đồng phát hiện ở Sa Thày (Kon Tum)
Thật khó có thể diễn tả được nỗi vui sướng và kinh ngạc của tôi trước sự gặp gỡ bất ngờ này. Sau khi bình tâm tôi mới được biết, vốn Lâm Dũ Xênh có một bàn thờ nhỏ để cầu may trước khi đi xa. Anh thường đặt bức tượng này nằm trong một chiếc hộp nhỏ phía trước bàn thờ. Mỗi khi đi xa, anh thắp hương cầu khấn và xoay đầu bức tượng và khi trở về nhà lại thắp hương rồi đặt trở lại theo tư thế ban đầu. Trong suốt một tuần làm việc với nhau về sưu tập Gò Quê, tôi đã nhiều lần đưa tấm hình và phiên bản hai tượng da đen ở Đông Sơn để hỏi Lâm Dũ Xênh, nhưng anh hoàn toàn không nhớ mình đã có một pho tượng như vậy ở trên bàn thờ. Thế rồi bất chợt trước khi ra xe đi cùng tôi, theo lệ, anh thắp hương cầu may và xoay đầu bức tượng như mỗi lần trước khi đi xa và bất chợt nhận ra. Đấy là một thời khắc lạ kỳ. Bởi vì nếu anh không đưa ra thì sẽ còn rất lâu nữa tôi mới có thể chắp nối được những nhân vật họ hàng đó lại với nhau. Đời người làm nghề thì nghề nào cũng có những phút giây hạnh phúc. Đối với tôi, cuộc gặp lại bức tượng thứ ba ở nhà Lâm Dũ Xênh quả là một hạnh phúc đáng ghi nhớ suốt đời làm nghề khảo cổ của tôi.
Chuyện về nguồn gốc bức tượng được kể lại như sau. Vào những năm đầu 1980, Lâm Dũ Xênh, tuổi chạc hai mươi, cùng nhiều thanh niên xung phong huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) được tăng cường lên chiến trường biên giới Tây Nam. Đoàn của Xênh được điều về khu vực Sa Thày (Kon Tum) giáp biên giới Căm Pu Chia. Anh cùng hai bạn đồng hương khác làm thành một tổ ba người. Một trong số hai người bạn kia đã được một người dân tộc ở địa phương trao tặng chiếc tượng đồng này, vốn là đồ đào được trong khi đi làm rẫy. Do bệnh tật người bạn đó đã qua đời tại Sa Thày và chiếc tượng được trao lại cho người bạn thứ hai trong tổ ba người của Lâm Dũ Xênh. Chiến tranh biên giới kết thúc, Xênh cùng người bạn kia trở về địa phương, khi đó Xênh chưa phải là người sưu tầm cổ vật. Cách đây ít năm, khi biết tin Xênh sưu tầm cổ vật, người bạn kia đã trao lại cho Xênh chiếc tượng đồng kỷ vật thời chiến tranh khắc nghiệt. Và từ đó Xênh đặt nó trong chiếc hộp cầu may trước bàn thờ.
Như vậy, một tia sáng le lói đã hiện ra trên con đường truy tìm nguồn gốc những sứ giả Đông Sơn kỳ bí này. Tại vùng Sa Thày (Kon Tum) gần đây đã phát hiện được nhiều di vật liên quan đến văn hóa Đông Sơn. Phải chăng, những người Negrito đẫ từng sinh sống ở vùng này. Phát hiện khảo cổ học tại Hòa Diêm (Khánh Hòa) đã xác nhận sự hiện diện của một nền văn hóa cao có niên đại trên dưới 2000 năm nay mà chủ nhân là những người có đặc trưng nhân chủng rất giống với những người da đen Negrito ở Philipin hay người Semang ở Malaysia.
Mùa xuân năm nay, tháng Ba Tây Nguyên, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu Sa Thày và vùng lân cận, với hy vọng tìm thêm những dấu hiệu có thể chỉ dẫn làm sáng tỏ những vị sứ giả kỳ bí đã viếng thăm Đông Sơn và để lại nơi đây những kiệt tác nghệ thuật tâm linh phồn thực bất hủ của mình.
Ghi chú : Bài đã từng được TG giới thiệu trong đặc san "Nghiên cứu Mỹ thuật" (DH Mỹ Thuật Hà Nội) và TC cua Vietnam Airline " Heritage"
OTHERS NEWS
[7/8/2014]
Họ Lý trong mộ gạch đầu công nguyên ở Yên Hưng (Quảng Ninh)
[7/8/2014]
Những con tàu đắm và vấn đề chủ quyền biển Đông
[7/8/2014]
Điều tra khảo sát di sản biển Quảng Ninh bước 1 - Báo cáo sơ bộ (1-10/6/2014)
[5/13/2014]
Khảo cổ học tàu đắm cổ ở Bình Châu (Quảng Ngãi)
[6/10/2013]
Tau dam
[2/13/2013]
Viet cho Xuan Quy Ty
[2/12/2013]
Chung cu Khao co hoc ve Banh chung Lang Lieu
[7/2/2012]
Tiếp tục phát hiện dấu mòn lối đi cổ 21 ngàn năm tại hang Xóm Trại (xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình)
[6/18/2012]
Die Bronzefiguren von Negritos in archäologischer Funstelle von Dong-Son (Thanh Hoa, Vietnam) und in Sa Thay (Kon Tum, Vietnam) gefunden
[6/17/2012]
Phát hiện thêm trống Đông Sơn có minh văn "Cửu Chân", mang tên "Phú"
[6/17/2012]
Mai An Tiem
[6/17/2012]
The Bronze Figures of Negritos found in archaeological site of Dong Son (Thanh Hoa, Vietnam) and in Sa Thay (Kon Tum, Vietnam)
[5/30/2012]
Thap đồng Đông Sơn liên quan đến Triệu Đà
[4/17/2012]
Bình đồng có minh văn trong mộ gạch thời Hán ở Nghi Vệ (Bắc Ninh)
[8/23/2011]
Minh văn trên trống đồng Đông Sơn khai quật được ở Cổ Loa
[8/18/2011]
Phát hiện dấu in lúa nếp nương râu dài trong lòng trống Đông Sơn
[5/26/2010]
Khảo cổ Hoàng Thành đường Văn Cao
[5/26/2010]
Về lúa cổ Thành Dền nảy mầm
[1/11/2010]
Tượng đồng Trần Hưng Đạo
[1/11/2010]
Người trao chìa khóa thành Đại La cho Lý Công Uẩn
[1/11/2010]
Đền Chèm và tục thờ thần khổng lồ
[3/15/2009]
Người văn hoá Hoà Bình ở Xóm Trại đeo trang sức vòng cổ. Hoabinhian necklace
[1/20/2009]
Lại phát hiện thêm một viên đá có hình khắc ở Xóm Trại (Tân Lập, Lạc Sơn, Hoà Bình)
[1/7/2009]
Một số tác phẩm mỹ thuật thời đại đá cũ mới phát hiện ở hang Xóm Trại (xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình)
[10/27/2008]
Phát hiện đường đi và mộ táng văn hoá Hoà Bình tại hang Xóm Trại (Lạc Sơn, Hoà Bình)
[10/1/2008]
Những phát hiện mới trong phạm vi bãi cọc Bạch Đằng thuộc xã Yên Giang, huyện Yên Hưng (Quảng Ninh)
|