DrNguyenViet.com >
Articles
>
Khảo sát dòng họ Lý từ khởi nguồn đến Lý Công Uẩn [1/11/2010]
Khám phá dòng họ Lý từ khởi nguồn đến Lý Công Uẩn
Nguyễn Việt
* Từ gương đồng họ Lý ở Giao châu
Họ Lý được coi như một trong số ít dòng họ xuất hiện sớm nhất trong lịch sử Việt Nam. Bằng chứng khảo cổ đã phát hiện được từ thế kỷ 2 sau CN, họ Lý đúc gương đồng (Lý thị tác kính).
Thảo luận về những gương Lý thị tác kính, có người phản biện rằng liệu những gương đó được đúc ở Trung Nguyên rồi đem lưu hành ở Việt Nam, chứ chưa chắc họ Lý đã thực sự ở Việt Nam từ thời đó. Tôi có dịp vào năm 2006 đi Nhật thảo luận về vấn đề gương đồng với những chuyên gia hàng đầu thế giới tại Nhật Bản và đều đi đến nhất trí dự đoán khả năng có một trung tâm đúc gương riêng ở Giao Châu. Gương Lĩnh Nam đào được khá nhiều ở Giao Châu. So với những sưu tập gương ở Lạc Dương, Hồ Nam, Triết Giang, Sơn Đông... đều không thấp kém hơn, đặc biệt ở giai đoạn gương đồng phát triển nhất, từ thế kỷ 1 tr.CN đến thế kỷ 3 sau CN.
Hơn nữa, Lý thị không chỉ đúc gương mà còn làm gốm, đúc các đồ đồng thông dụng khác.
Trên một đồ đựng bằng đồng khai quật tại Quảng Đông còn nguyên dòng minh văn : “ Nguyên Sơ ngũ niên thất nguyệt trung Tây Vu Lý Văn Sơn trị xạ trước (chú) hữu”. Tạm dịch : Vào trung tuần tháng bảy năm thứ năm đời Nguyên Sơ ( năm 143 sau Công nguyên) Lý Văn Sơn người Tây Vu điều hành việc đúc đồng. Huyện Tây Vu khi này đã là huyện nhỏ do Mã Viện tách ra từ huyện Tây Vu cũ thành ba huyện : Tây Vu, Phong Châu và Vọng Hải. Huyện Tây Vu đời Nguyên Sơ bao gồm cả vùng đất Bắc Ninh, Bắc Giang trọng tâm là các vùng Quế Võ, Phả Lại, Thiên Thai...
Trên một chiếc vò sành đời Hán được Clemant Huet sưu tầm tại Thanh Hóa trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, hiện trưng bày tại gian Việt Nam của Bảo tàng Hoàng gia Bỉ về Nghệ thuật và Lịch sử (Brussel) có khắc dòng chữ :”Kiến hòa tam niên nhuận nguyệt trấp nhật Lý thị tác”. Tạm dịch: Họ Lý sản xuất ngày hai mươi tháng nhuận năm thứ ba đời Kiến Hòa (năm 149 sau Công nguyên).
Chúng ta sẽ không sa đà đi quá sâu về vấn đề gương đồng ở đây. Hiện tượng gương họ Lý xuất hiện ở Việt Nam không thể tách rời sự hiện diện của dòng họ đó. Các gương minh văn ghi họ đều không phải là hàng thương mại. Chúng gắn với từng dòng họ cụ thể, dùng để vinh tôn chủ nhân dòng họ hoặc làm quà tặng những nhân vật quyền quý trong xã hội. Kết hợp với các nguồn tài liệu khác, chúng ta có thể xác nhận sự hiện diện của một dòng họ Lý có tiềm lực về kinh tế, chính trị trong thời kỳ đầu lịch sử Bắc thuộc ở Việt Nam.
*Họ Lý Việt Nam và họ Lý Trung Quốc
Nhân vật lịch sử họ Lý người Giao Châu làm quan đời Hán được ghi nhận sớm nhất là Lý Tiến, tự là Đăng Cao ( năm 137sau CN). Niên đại này rất phù hợp với những gương đồng Lý thị tác kính và những hiện vật khảo cổ học có minh văn “Lý thị” đã phát hiện ở Việt Nam.
Trước đó, truyền thuyết dân gian ghi nhận nhân vật họ Lý người Việt làm tướng đời nhà Tần là Lý Ông Trọng, đền thờ rất linh thiêng ở Chèm, huyện Từ Liêm, phía bắc Hà Nội. Theo thần tích Đền Chèm, Lý Ông Trọng tên thật là Lý Thân (Thận), người làng Chèm, sống ở thời Hùng Duệ Vương (Hùng Vương thứ 18) và thời An Dương Vương. Ông có sức vóc to lớn, giỏi võ nghệ, giúp nhà Tần đánh đuổi giặc Hung Nô. Sau khi Lý Ông Trọng về quê, quân Tần làm tượng đồng giả hình nhân khổng lồ của ông để dọa đánh quân Hung Nô.
Một ông thành hoàng họ Lý khác hiện được thờ ở đền Bạch Mã (phố hàng Buồm, Hà Nội) là Lý Tiến đã giúp vua Hùng đánh giặc Ân cùng thời thánh Gióng.
Thống kê những nhân vật lịch sử có liên quan đến thời Bắc thuộc, ta nhận thấy hàng chục thứ sử, thái thú hay hào trưởng, quan lại mang danh họ Lý. Người họ Lý là Lý Thiện, người Nam Dương (Hồ Nam) là quan sớm nhất với chức Thái Thú Nhật Nam và Cửu Chân đời Hán Hiển Tông. Tuy nhiên, trong số các nhân vật họ Lý được lưu danh không phải ai cũng có nguồn gốc Giao Chỉ.
Khi phân tích về Sĩ Nhiếp và Lý Bí, các sử gia đều nhắc đến nguồn gốc bao nhiêu đời đến và sống ở Giao Chỉ. Điều đó có nghĩa rằng số dân từ vùng khác đến ngụ cư ở đồng bằng sông Hồng hồi đầu Công nguyên rất lớn. Tổ Lý Bí cũng từ phía bắc sang đất Việt sớm hơn, từ thời Tây Hán, qua bảy đời thành người Việt. Đến thời Lý Bí tính ra cũng trải hơn 20 đời.
Dòng họ Lý, theo thống kê gần đây nhất, đứng đầu Bách Tính của Trung Quốc về số lượng người. Tình hình có lẽ cũng tương tự ở Việt Nam nếu tính một số lượng lớn dòng họ Nguyễn chuyển sang từ họ Lý trong đời nhà Trần. Có hai lý do giải thích hiện tượng này và đều liên quan đến các họ Lý thời bắc thuộc.
Thứ nhất, trong khối Bách Việt vùng Lĩnh Nam có một khối lượng lớn các tộc Lý - Lão (Lee, Liao). Dưới tác động của Trung Nguyên thời nhà Chu (Xuân Thu - Chiến Quốc), nhiều nhóm tộc đã tham gia chính sự Trung Nguyên hoặc tự hình thành các mô hình tổ chức xã hội kiểu Chiefdom ( thủ lĩnh). Theo cách đặt tên, họ truyền thống, thì địa danh, tộc danh sẽ được dùng cho tính danh, quốc danh. Vì vậy, tùy mức độ phát triển mà những cư dân của các chiefdom, tiểu quốc Lý, Lão vùng Lĩnh Nam chuyển mang họ Lý. Sau này, chúng ta sẽ lấy làm dễ hiểu tại sao trong chiến cuộc chống quân Lương, Lý Bí, Lý Thiên Bảo, Lý Phật Tử lại thường hay rút về các động Lão, Ai Lao... Khối họ Lý lớn nhất xuất hiện vào khoảng Chiến Quốc - Tần Hán, mang đậm màu sắc bản địa Lĩnh Nam gắn bó chặt chẽ với văn hóa Yue (Việt) .
Trong quá trình Hán hóa, một bộ phận các tộc danh Lý ở Lĩnh Nam đã dần biến thành họ Hoa, một bộ phận ở Giao Châu trở thành họ Việt. Rất có thể họ Lê ở Việt Nam cũng bắt nguồn sâu sắc từ một nhánh Lý Lão nào đó giống như họ Lý.
Thứ hai, họ Lý trong quá trình phát triển ở Trung Nguyên đã mở ra một triều đại rực rỡ vào loại nhất trong lịch sử Trung Hoa, đó là nhà Đường với vị hoàng đế đầu tiên là Lý Thế Dân. Hào quang của nhà Đường đã lôi cuốn tiếp các tộc người nhỏ ở Giang Nam, Tây Tạng, Sơn Đông, Mãn Châu còn trong tình trạng cộng đồng nguyên thủy nhận họ Lý. Đó là lớp họ Lý thứ hai mang đậm màu sắc ảnh hưởng của họ Lý Hoa Hạ thời Đường.
* Tạo lập vương triều
Chúng ta cần nhấn mạnh vai trò họ Lý thời bắc thuộc, bởi trong thời kỳ này có nhiều danh nhân họ Lý là sợi dây gìn giữ và phát triển bản chất cát cứ, độc lập của Giao Chỉ và cuối cùng đã góp phần tạo lập vương Triều Lý, nền tảng Đại Việt vững vàng với kinh đô ngàn năm Thăng Long. Thống kê danh sách hàng ngũ quan lại hàng đầu đã cai trị Giao Châu trong thời bắc thuộc (Thứ sử, Thái thú, Đô Úy, Tiết độ sứ…) có thể nhận thấy trung bình mỗi thế kỷ xuất hiện vài ba người họ Lý, trong đó có những thứ sử họ Lý đã từng chủ chương cát cứ độc lập. Tiêu biểu nhất là cuộc nổi dậy của Lý Bí lập nước Vạn Xuân giữa thế kỷ 6. Điều đó chứng tỏ họ Lý ở Giao Châu chẳng những tiếp tục tồn tại và phát triển, hình thành một nhóm tộc hùng mạnh ở vùng đất Tây Vu, Phong Khê, Long Biên cũ mà còn mở rộng ra nhiều địa bàn của Giao Châu. Trong thời loạn 12 sứ quân, đó là lực lượng nòng cốt của sứ quân Lý Khuê (Lãng Công). Sứ quân này trấn trị vùng Siêu Loại, tức vùng văn hóa lịch sử sông Dâu, sông Đuống, Luy Lâu thời Hán. Thế hệ tiên tổ của Lý Công Uẩn tương truyền từ đất Mân trở về hẳn đã bắt rễ với nhóm tộc Lý này. Sau ngày lập quốc, chính đây trở thành vùng “đất tổ” của dòng vương thất Lý.
Ảnh : Gương đồng thời Lý Tiến, Lý Cầm (cuối TK 2 sau CN) phát hiện ở vùng Kinh Môn (Hải Dương). Chữ Lý bắt đầu sau hai chấm nổi ở góc tây nam gương.
Sau khi nhà Trần diệt nhà Lý đã chủ chương làm tuyệt dòng họ Lý bằng cách đổi toàn bộ họ Lý ra họ Nguyễn. Chữ Lý trở thành một chữ cấm kỵ trong mấy trăm năm đời Trần. Vì vậy, họ Lý trở nên ít ỏi như ngày nay, thay vào đó là vô số họ Nguyễn. Vì thế không nên quên rằng Lý Công Uẩn đã có thể thực hiện được các ý tưởng chính trị của mình, trong đó có việc quyết định dời đô, là có nhờ vào lực lượng đông đảo các dòng tộc Lý ở Giao Châu đương thời./.
Tài liệu tham khảo :
Ueno Yoshifumi, 2003, The Lines of Pan Long Jing Mirrors, trong Bulletin of the National Museum of Japanese History, vol. 100, March 2003, tr.10.
Quảng Châu Hán mộ, Bắc kinh, 1984.
Gương đồng ở Quảng Tây, NXB Văn Vật, Bắc kinh, 2004, tr. 91.
Quảng Đông tỉnh Bác vật quán, 1981, Quảng Đông tỉnh Đức Khánh Đại Diệu Sơn Thạc Kiến Đông Hán văn vật, trong Khảo cổ, số 4-1981.
Schotsmans, Janine, 1986, Clemant Huet and the origins of the Vietnamese Collection of the Musées Royaux d’Art et d’Histoire, Brussels. Trong Southeast Asian Archaeology 1986, I. and E. Glover biên tập, BAR International Series, tr. 241-250.
OTHERS ARTICLES
[12/16/2019]
越南早期汉文字的铭文(Early Han Inscriptions in Vietnam)
[12/16/2019]
MINH VĂN CHỮ HÁN SỚM Ở VIỆT NAM
[8/13/2011]
Nguồn cội hình thành truyền thuyết Thánh Gióng
[8/13/2011]
Phát hiện thêm trống Đông Sơn có minh văn
[8/13/2011]
Yên Bái - Vùng đất của những thạp đồng Đông Sơn lớn nhất và đẹp nhất
[8/29/2010]
Ly's name of Giao Chỉ during Han Age
[1/10/2010]
Những người dân xa xứ đã từng hiến đất mở rộng kinh thành Thăng Long ở TK 15
[10/26/2008]
Thạp đồng Đông Sơn của huyện lệnh Long Xoang (Xuyên) Triệu Đà
[10/20/2008]
Âu Lạc và Giao Chỉ - một số vấn đề ngữ âm học lịch sử
[10/3/2008]
Triệu Đà
[10/1/2008]
Thanh kiếm ngắn Đông Sơn mang hình tượng Hai Bà Trưng
[10/1/2008]
Đai hội Khảo cổ học Thế giới (WAC-06)
[8/7/2008]
ArchaeoEthnobotany records of Canarium in Vietnam and in SEA
[8/7/2008]
Hoabinhian Macro Botany
[8/6/2008]
Archaeology of Death in Vietnam
[8/6/2008]
Homeland of the HoaBinhian in Vietnam
[8/6/2008]
Hoabinhian Food Strategy in Vietnam
|