Wednesday, November 6, 2024

The Pham Huy Thong Museum with it's laboratories in Yen Hung (Quang Ninh)

 

Muong megalith tomb in 17th - 18th century (Kim Boi, Hoa Binh)

 

In completing the face of a Dongsonian woman, whom skeleton was excavated 2004 in Dong Xa (Hung Yen, Vietnam)

 

During excavation 2004 in Du Sang rock-shelter ( Kim Boi, Hoa Binh)

 

The Dongson man with war axe on his shultern as handle of a bronze dagger of 2300 years old.

 

DrNguyenViet.com > Articles >



MINH VĂN CHỮ HÁN SỚM Ở VIỆT NAM [12/16/2019]

 


 

MINH VĂN CHỮ HÁN SỚM Ở VIỆT NAM

(Early Han Inscriptions in Vietnam)

Nguyễn Việt

Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á

drvietkc@gmail.com

 

 

 

 

Tóm tắt

 

Trong vài thập niên gần đây xuất hiện một số đồ đồng Đông Sơn lễ nghi có minh văn chữ Hán. Chúng được xác định niên đại trong khoảng thế kỷ 3 đến thế kỷ 1 trước Công nguyên. Bài viết tập trung thảo luận về nội dung minh văn, niên đại và ý nghĩa của các dòng minh văn khắc trên bốn đồ đồng có giá trị nhất, đó là trống đồng Cổ Loa (13 chữ), trống “Phú” trong sưu tập của Mai Xuân Trường (16 chữ), thạp “Quả” trong sưu tập của Bảo tàng Barbier-Mueller (Geneva) (22 chữ) và bình đồng “Vạn Tuế” 萬歲 của Bảo tàng Lịch sử Việt nam (14 chữ). Kết quả chỉ rõ các minh văn này thuộc cùng một phong cách Nam Việt với công thức khá ổn định : Những chữ đầu thường là địa danh (Long龍腔Xoang, Tây Âu西于, Cửu Chân玖甄, Luy Lâu累摟), những chữ sau đó ghi nhớ về trọng lượng, dung lượng, thứ tự của đồ vật được khắc minh văn trong số tài sản của chủ nhân, tên hoa mỹ cho từng đồ vật (Phú, Vạn Tuế, Quả). Đặc biệt là phát hiện cách dùng chữ Hán (Vị-Mùi) để ghi âm rất riêng cho chữ “Đệ Vị” 第未theo nguyên tắc “thông giả” gần với chuyển “nôm” sau này và tương tự cách dùng chữ “Thị” thời Kofun của Nhật. Những quan lại người Hán (như trường hợp thạp Long Xoang của Triệu Đà) và những thủ lĩnh người Việt hẳn đã là những người đầu tiên đưa chữ Hán vào Việt Nam trong nửa sau thiên niên kỷ 1 trước Công nguyên.

 

Abstract

 

In the last decades discoveries of Vietnamese archaeology occurred some ceremonial dongsonian bronze objects as drums, situlaes, vase with early Chinese inscriptions. They are dated in 3rd – 1st centuries BC and belonged to the first Chinese inscriptions in Vietnam. These paper focuses on discussing the translations, the dating and the meanings  of such inscriptions, which are carved from four dongsonian bronze objects : the drum of Co Loa (with 13 letters), the drum of Mai Xuan Truong’s collection (with 16 letters), the situlae BMM 2505-29 of Barbier-Mueller Museum (with 22 letters), the vase LSb17241 of National Museum of Vietnamese History (with 14 letters). These inscriptions show clealy the general features of Chinese inscriptions mixed with the locality in same formular (NanYue style) : First letters are the local names (Long Xoang龍腔, Tây Âu西于, Cửu Chân玖甄, Luy Lâu累摟) then the weight/vacuum, the object’s name, the rang number. The most interesting of these inscriptions is the using way of some Chinese letters to call the local phonetics, which likes as “nom” method in later period in Vietnam or similar to the way in the inscriptions of somes Kofun bronze mirros in Japan. Three of four inscripted dongsonian bronze objects are called with luxerous names, through which the owners wished for wealthness, longlife萬歲and seccesfull. The owners of Dongsonian bronze objects could be Chinese governers (Zhaodou 趙佗case) or Yue chieftains. They were transferring Chinese letters firstly to Vietnam in second half of first millennium before Christum (BC)

 

 

 

HỘI NGHỊ VIỆT NAM HỌC , HÀ NỘI 2012

MINH VĂN CHỮ HÁN SỚM Ở VIỆT NAM

Nguyễn Việt

Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á

drvietkc@gmail.com

Đặt vấn đề (Introduction)

Chữ Hán là loại hình văn tự sớm vào loại nhất ở Việt Nam. Việc sử dụng loại hình văn tự này như một phương tiện thông tin ngôn ngữ còn kéo dài mãi đến tận gần đây. Thậm chí cả khi văn tự latin đã chiếm vai trò chủ đạo như ngày nay, thì ở nhiều lĩnh vực văn hóa xã hội, tín ngưỡng tâm linh, loại hình văn tự Hán vẫn giữ một vai trò quan trọng khó có thể thay thế được.

Logic thông thường thì chữ Hán được coi như đã theo chân đoàn quân xâm lược Tần  xuống vùng đất phía bắc Giao Châu từ khoảng cuối thế kỷ 3 trước Công nguyên. Với sự ra đời và tồn tại hơn một thế kỷ của nhà nước Nam Việt, chữ Hán đã chính thức trở thành văn tự chính thống của vùng này, mặc dầu trong một phạm vi rất hạn hẹp của triều đình Nam Việt mà thôi. Bằng chứng khảo cổ cho thấy ba loại văn tự chữ Hán cùng tồn tại trong phạm vi nước Nam Việt : 1- Minh văn phương hình chuẩn thường thấy ở những đồ lễ khí chính thức của nhà nước Nam Việt hoặc trên những đồ được dâng tặng có nguồn gốc phía bắc, 2- Văn tự thẻ tre mang phong cách văn tự Hán Sở,  và 3- Minh văn Nam Việt thường thấy trên đồ đồng Đông Sơn bản địa với lối khắc dài, phương hình không chuẩn và sai hoặc thiếu nét.

Trong khuôn khổ bài viết nghiên cứu về minh văn chữ Hán bản địa chúng tôi chú ý vào loại hình minh văn chữ hán được khắc trên đồ đồng Đông Sơn nhằm tìm hiểu quá trình du nhập loại hình văn tự này vào Việt Nam. Trước đây, một số nhà nghiên cứu đã từng đưa ra giả định về một số loại hình chữ khác Hán xuất hiện sớm hơn ở Việt Nam, trong đó nổi bật nhất là giả thuyết hệ thống chữ khác Hán có niên đại Chiến Quốc trên một số vũ khí đồng phát hiện ở Việt nam, Nam Trung Hoa[1] và giả thuyết về dạng chữ „ngoằn ngoèo rồng rắn“ tương tự chữ Thái, Lào[2]. Bài này không thảo luận về những giả thuyết đó do tư liệu làm cơ sở cho các giả thuyết đó còn quá mỏng manh và thiếu thốn.

A- Tư liệu

Để làm cơ sở thảo luận cho bài viết này, chúng tôi tập trung giới thiệu 4 đồ đồng Đông Sơn có ghi minh văn chữ Hán.

1- Trống đồng Trạch Bái

Cách đây chừng 5,6 năm, một nông dân ở vùng chiêm trũng thuộc thôn Trạch Bái, xã Hòa Lâm huyện Ứng Hòa (Hà Tây cũ) bất ngờ phát hiện một chiếc trống đồng lớn còn gần như nguyên vẹn trong một hố đất đen đào sâu trong tầng đất đen sú vẹt. Có lẽ chính nhờ tầng đất chua sú vẹt yếm khí này mà chiếc trống đã được bảo tồn nguyên vẹn, gần như mới. Nhất là lớp vàng óng của thau đồng ẩn bên dưới màng patin mỏng được bảo vệ bởi một tầng nhựa cây che phủ khiến chủ nhân không thể tin ngỡ như một đồ đồng mới đúc. Đây là khu vực tập trung di tích Đông Sơn với những khu mộ thân cây khoét rỗng như Nam Chính, Trầm Lộng, Châu Can...

Điều đáng nói nhất ở đây là dòng minh văn gồm 16 chữ Hán khắc rất rõ nét ở bên trong vành chân đề trống. Đây là chiếc trống đồng Đông Sơn thứ hai có minh văn đã được phát hiện và nghiên cứu ở nước ta. Chiếc trống đầu tiên có minh văn ở nước ta chính là chiếc trống đồng Đông Sơn do nhân dân khai quật được ở Gò Mả Tre, trong thành Cổ Loa, năm 1982
. Hàng minh văn trên trống Cổ Loa đã được một số nhà khoa học nghiên cứu và công bố[3]. Ngoài ra, như đã từng được công bố, còn có một số thạp đồng Đông Sơn và khá nhiều đồ đồng, đồ gốm Giao Chỉ thuộc truyền thống Đông Sơn dưới thời thuộc bắc cũng có khắc minh văn chữ Hán.

Bài viết này tập trung giới thiệu minh văn trên chiếc trống đồng quý giá nói trên.

1.1- Vài dòng giới thiệu về chiếc trống mang tên “Phú”

Trước hết, để tiện trình bày, trong bài này tôi gọi chiếc trống sẽ được mô tả là trống “Phú”. Bởi trên dòng minh văn, chủ nhân xưa đã cho khắc một câu :”Danh viết Phú” nghĩa là : trống có tên là “Phú” (tức chỉ sự giàu sang, phú quý).

Trống “Phú” thuộc loại trống cỡ lớn, có đường kính miệng 65cm, phần tang rộng nhất tới 71cm. Chiều cao toàn thân trống là 43cm, thuộc loại trống lùn mang đậm phong cách miền núi (Tây Vu).



[1] Hà Văn Tấn, 2003,  Chữ trên đá Chữ trên đồng, NXB KHXH, Hà Nội.

[2] Đinh Gia Khánh, 2011,

[3] Chi tiết xin xem ở phần dưới đây khi nói về trống Cổ Loa

 

 

 

Description: Description: IMG_0840w(1)Description: Description: IMG_3037w(1)

 

Ở giữa mặt trống là hình mặt trời có 12 tia cánh rộng. Ngoài các vành trang trí hình học có hai vành chính thể hiện một vành gồm bốn con thằn lằn (hay cá sấu) còn vành kia là hình tám con chim mỏ dài bay ngược chiều kim đồng hồ. Mặt trống không tràn gờ mà thu hẹp so với độ nở của tang mỗi bên 3cm. Tang trống trang trí băng chính gồm 4 chiếc thuyền độc mộc đầu và đuôi thuyền cong vút. Bên trên có 6 người ngồi chèo thuyền giống nhau, một người ngồi phía sau cầm lái và một người ngồi chèo nhưng có một ngọn giáo cắm chúc mũi xuống ở hốc đầu thuyền phía trước. Tất cả đều nhìn theo hướng từ trái sang phải (ngược chiều kim đồng hồ). Không thấy bất kỳ con vật nào ở trên trời cũng như dưới nước.

Phần thân thuyền được chia thành tám ô hình chữ nhật, trong mỗi ô có hai hình người hóa trang đội mũ lông chim, mang khố dài, mắt quay nhìn theo hướng từ trái sang phải. Người đứng phía trước, tay cầm rìu (giáo), người đi sau cầm xênh, cả hai nhún theo tư thế nhảy múa. Phía trên đầu là hình một con chim lạc bay. Vành chân trống để trơn, thuộc loại thấp nhưng xòe rộng ngang bằng với chỗ phình nhất của tang trống (khoảng trên dưới 70cm). Chính ở phần xòe chân trống này, phía bên trong có dãy chữ Hán khắc rất sắc nét.

1.2- Dòng minh văn gồm 16 chữ Hán và những thông tin về
các đơn vị đo lường thời Đông Sơn


Các chữ Hán được khắc ở bên trong chân đế trống đồng thành một hàng ngang đọc chạy dọc từ trên xuống dưới, rất giống tình trạng của trống Cổ Loa cả về vị trí lẫn kiểu khắc. Hình ghép dưới đây là do tôi ghép gối từ những đoạn chụp liên hoàn dãy 16 chữ minh văn đó.

 

 

Description: Description: LetterTotal1w

 

Nghiên cứu minh văn thời này tôi đã từng đề xuất tên gọi cách khắc minh văn không vuông vắn, thừa thiếu nét và nhiều lỗi chính tả này là kiểu “minh văn Nam Việt” để phân biệt với cách khắc minh văn chuyên nghiệp hơn ở Trung Nguyên[1]. Tuy nhiên, trong trường hợp ở trống Phú, nhờ độ nguyên vẹn và sắc nét, dòng minh văn này khá dễ đọc, ngoại trừ hai chữ đầu tiên. Từ chữ thứ ba trở về sau có thể đọc như sau : “TRỌNG LỤC QUÂN, NGŨ CÂN, BÁT LẠNG, DANH VIẾT PHÚ, ĐỆ VỊ THẬP NHẤT”. Tạm dịch : “ trống nặng sáu quân, năm cân, tám lạng, tên gọi là Phú, thứ bậc số mười một”.

“Quân” là đơn vị đo lường cổ được dùng từ đời nhà Chu cho đến hết đời nhà Minh. Hai “bình” làm thành một quân. Một bình nặng 15 cân, như vậy một quân nặng 30 cân. Đời nhà Tần có đúc chuẩn những quả quân có quai để thống nhất đo lường toàn thiên hạ. Theo đó, mỗi quân nặng 7,75kg (một cân đời Tần – Hán là khoảng 258 gram) . Chiếc trống này có niên đại tương đương Tần – Hán, tức khoảng thế kỷ 3-2 trước Công nguyên, ngang với thời kỳ nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương ở Việt Nam. Theo đó, đương thời, theo chuẩn đời Tần – Hán thì trống sẽ có trọng lượng 47,759kg. Tuy nhiên, khi phân tích đơn vị đo lường ở Lĩnh Nam, Giao Chỉ, chúng tôi cũng như một số nhà nghiên cứu Trung Hoa nhận thấy đơn vị đo lường ở Lĩnh Nam và Giao Chỉ đời Tần – Hán có sự khác biệt so với vùng Trung Nguyên. Điều đó phản ánh tính chất cát cứ, bất phục của các thủ lĩnh Bách Việt phương nam đối với chủ trương thống nhất đo lường của triều đình Tần - Hán. Vì thế, để phân định giá trị các đơn vị đo lường người khắc minh văn thường thêm vào những chữ để quy ước đơn vị đó tính theo vùng nào. Thông thường đó là những chữ chỉ địa danh hoặc tước hiệu liên quan đến chủ nhân mang tính vùng gắn với đơn vị đo lường cụ thể của đồ vật có ghi minh văn. Đồ đồng Nam Việt thường ghi các vùng như “Phiên”, “Triết”, “Bố”…Thạp đồng Triệu Đà ghi “Long Xoang”, tức Long Xuyên, nơi ông làm huyện lệnh. Trống Cổ Loa và một số đồ đồng khác cùng thời có ghi Tây Vu (cách đọc chệch của Tây Âu), tên bộ tộc lớn thuộc khối Bách Việt và cũng là tên một bộ (huyện) thời Tây Hán.

Tên đơn vị hành chính thời Đông Sơn chủ yếu được phiên âm ghép bắt nguồn từ cách gọi bằng hệ thống ngôn ngữ bản địa. Vì thế, khi dùng các bộ thủ hay chữ Hán để ghi nhận chúng thường không nhất thiết gắn với nghĩa gốc của âm bản địa đó. Đôi khi âm đó không có trong chữ Hán. Vì thế đọc được các địa danh thời này bằng chữ Hán là khá phức tạp.

Hai chữ đầu tiên minh văn được khắc rất rõ nét.

 



[1]Nguyễn Việt, 2007, Minh văn chữ Hán sớm, trong Khảo cổ học, số 5 – 2007.


 

Description: Description: 7504Description: Description: 7396Description: Description: IMG_3066wDescription: Description: IMG_3065w

 

Ảnh : Giả thiết phục dựng hai chữ Cửu Chân từ bản gốc minh văn (đọc từ phải qua trái)

 

 



Chữ đầu gồm hai phần : phần bên trái hơi chếch xuống dưới gồm ba vạch ngang và một nét sổ thẳng nhú đầu, có thể gần với bộ “vương” hay chữ “chủ”. Phần bên phải hơi chếch lên trên trông giống với một nửa của bộ “vũ” (lông vũ), gồm bốn nét. Chúng tôi nhận thấy cách viết chữ “Cửu” (một bên bộ vương một bên bộ cửu) theo nghĩa lưu cữu, cũ kỹ hay tên một loại đá ngọc, khá gần với chữ này. Thực ra trong ký tự tiểu triện chữ Hán có một chữ ghi âm cúi được cho là tiền thân của chữ Hợi sau này. Kiểu ghi âm như vậy xét thấy khá giống phần bên phải hơi chếch lên trên của chữ đầu tiên trên trống “Phú” mà chúng ta đang bàn đến. Điều này càng củng cố thêm cách đọc là chữ đầu tiên này là “Cửu” có ít nhiều hợp lý.

Chữ thứ hai rất phức tạp, đếm được tới 18-19 nét. Nửa bên trái khá rõ là một chữ “nhật” có đường sổ bên phải kéo dài. Về mặt tự dạng có thể gần với chữ “ngõa”. Vì dự đoán tên địa danh thời Âu Lạc gắn với vùng chiêm trũng Mỹ Đức, Phú Xuyên (Hà Tây cũ) nên tôi hướng về những địa danh như Chu Diên, Câu Lậu, Cửu Chân. Do đó tôi đã chọn chữ “Chân” có nghĩa là sự phân định phải trái hay là tên của dòng họ Chân thời cổ. Chữ này nhờ có bộ "ngõa" ở bên phải, bên trái là bộ "tứ" (ở trên) + bộ "thổ" (ở dưới) phần nào cũng khá gần gũi với cách “vẽ” chữ của người xưa đối với chữ thứ hai.

Như vậy “Cửu Chân” còn mang nặng tính giả định, tuy có sự gần gũi và sự logic về tự dạng với tính vùng nơi khai quật được trống Phú. Nếu tạm chấp nhận giả thuyết nêu trên, toàn văn dòng chữ Hán 16 chữ khắc trong vành chân đế trống Phú có thể được đọc như sau :

"CỬU CHÂN, TRỌNG LỤC QUÂN, NGŨ CÂN, BÁT LẠNG, DANH VIẾT PHÚ, ĐỆ VỊ THẬP NHẤT"

, , , , ,

Tạm dịch : Trống của bộ Cửu Chân (?), đứng hàng thứ 11 (đệ vị thập nhất), nặng 185 cân rưỡi , tên đặt là "Phú" (giầu có).

2- Minh văn trên thạp đồng Đông Sơn ký hiệu 2505-29 của Bảo tàng Barbier-Mueller

 

Đây là một thạp đồng Đông Sơn thuộc Bảo tàng Barbier-Mueller (Geneva - Thuỵ Sĩ), mang ký hiệu BMM-2505-29, cao 42cm, nặng 11,500 kg (không kể phần nắp đã mất), thuộc loại thạp có vành gờ miệng đạy nắp đồng. Thạp có đôi quai hình chữ U ngược trang trí bện thừng và hoa văn nổi hình chữ S rất tinh tế. Ở giữa mỗi quai hình chữ U ngược là một quai vành khuyên bốn ngấn. Cụm quai này tạo bởi khuôn rời nên đã làm hỏng phần băng hoa văn phức hợp gồm hai băng chấm rải, hai băng răng cưa bọc lấy đồ án chính là băng hình chữ S nằm biến thể thành dạng ô trám.

 

Description: Description: 2505-29

 

Ảnh : Thạp đồng Đông Sơn mang ký hiệu BMM-2505-29

 

Chính giữa thân thạp là băng gồm 4 hình thuyền chiến với kiểu tạo hoa văn in chìm rất giống thạp Hợp Minh (Yên Bái) và mộ Việt Vương (Văn Đế Triệu Muội) ở Quảng Châu. Đây là những thuyền chiến chở chiến binh mang rìu chiến kiểu gót hài, có lầu với người đứng bắn cung nỏ ở trên và đồ đồng lớn bên dưới, có trống trụ ở giữa thuyền, nơi thường trói một tù binh quay mặt ngược với chiến binh. Điều đáng nói nhất là sự thể hiện rất rõ nét hình tượng tù binh bị trói gập cánh khuỷu và chiến binh Đông Sơn tay cầm đầu lâu cũng như đầu lâu treo trước mũi thuyền – cái mà một số nhà nghiên cứu đã từng lầm tưởng là mái chèo mũi thuyền trên một số trống đồng. Gần sát đáy là băng phức hợp được tạo bởi năm băng gồm hai chấm rải, hai vòng tròn tiếp tuyến có chấm giữa bọc lấy băng rộng trơn không có hình.

Giá trị nhất của chiếc thạp còn là một dòng gồm 22 chữ Hán chạy song song ở phần trống gần sát gờ miệng. Chính đây là cơ sở để chúng tôi nêu giả thuyết về chủ nhân chiếc thạp có thể là Triệu Đà, người sáng lập triều đình Nam Việt vào cuối thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Những dòng chữ này đã được tôi dịch và giới thiệu trên tạp chí Khảo cổ học (số 5-2007), khi đó chữ thứ hai trong số 22 chữ này vẫn còn để trống. Gần đây, trong khi tiếp tục theo đuổi giải nghĩa chữ này, tôi đã nhận thấy tự dạng chữ này khá gần với chữ „Xoang“腔, và hai chữ đầu chỉ địa danh của 22 chữ trên miệng thạp có thể đọc là „Long Xoang“.
 

龍腔xoang 重六(衡) 名曰果第未五十二容一廿一斗七升半升
(Phiên âm Hán Việt : Long Xoang trọng lục hoành danh viết quả đệ vị ngũ thập nhị dung nhất trấp nhất đấu thất thăng bán thăng. Dịch nghĩa : Thạp Long Xuyên, cân nặng sáu hoành, là đồ vật thứ 52, tên gọi là "Quả", chứa được 21 đấu bảy thăng rưỡi)

 

 

Description: Description: GenevaLongXoang2wDescription: Description: Letter


Chi tiết minh văn khắc trên vành miệng thạp BMM 2505-29 : hai chữ bên trái là „Long Xoang“, hai chữ bên phải là „Xoang, Trọng“ 

3- Trống đồng Cổ Loa

Năm 1982, trong khi làm vườn, một nông dân đã phát hiện trên cánh đồng Mả Tre (Cổ Loa) một chiếc trống đồng Đông Sơn trong tư thế nằm ngửa. Bên trong chật ních các đồ đồng khác với số lượng chủ yếu là lưỡi một loại vũ khí chém bổ có hình như những lưỡi cày hình cánh sen.

Đây là một trống đồng thuộc loại quý hiếm của văn hóa Đông Sơn, bởi vì nó có kích thước lớn và hoa văn trang trí trên mặt, trên thân cầu kỳ cùng kiểu như trống đồng Ngọc Lũ.

Điều mà tôi muốn được giới thiệu trong bài này là những dòng minh văn (chữ khắc) hiếm hoi tìm thấy ở mặt trong vành chân đế của chiếc trống này.

Ngay sau khi phát hiện, năm 1982, một hội thảo khoa học lớn đã được Sở Văn hóa Hà Nội tổ chức nhằm đánh giá và tôn vinh hiện vật này cũng như giá trị của tòa thành Cổ Loa lịch sử. Tại Hội thảo đó, dòng minh văn đã được nhiều học giả quan tâm. Tuy nhiên, phải đến hơn 10 năm sau mới có những cố gắng lý giải đầu tiên về minh văn đó. Thoạt đầu là cố gắng của học giả Nguyễn Duy Hinh phối hợp với một nhà khoa học ở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc (Nguyễn Duy Hinh, 1995). Sau đó là công bố của Trịnh Sinh (2006) cũng như của chính tác giả bài viết này (2007)[1].

Tựu chung lại các ý kiến đều khá thống nhất ở nhận định rằng minh văn ghi chép về trọng lượng và sức chứa của trống. Đáng chú ý nhất là nhận định của một số nhà khoa học (Diệp Đình Hoa, Trịnh Sinh và Nguyễn Việt) về hai chữ ở chính giữa dòng minh văn, được cho là chữ “Tây Vu” – tên bộ tộc lớn nhất sau trở thành tên một huyện lớn dưới thời Tây Hán. Tây Vu là cách ghi biến âm của Tây Âu, nhóm tộc người mà tương truyền Thục Phán làm thủ lĩnh đã liên kết với Lạc Việt - Văn Lang của các vua Hùng thành nhà nước Âu Lạc ở cuối thế kỷ 3 trước Công nguyên. Việc phát hiện trống “Tây Vu” trong thành Cổ Loa của An Dương Vương Thục Phán chứa đầy vũ khí và đồ đồng Đông Sơn của những người Tây Âu – Lạc Việt cũng là rất logic.



[1]Nguyễn Duy Hinh, 1995. Dòng chữ Hán khắc trong lòng trống Cổ Loa, trong Những phát hiện mới Khảo cổ học 1995. NXB KHXH, Hà Nội, tr. 157-158. Trịnh Sinh, 2006, Thử giải mã minh văn trên trống Cổ Loa (Hà Nội), trong Khảo cổ học, số 2-2006. Nguyễn Việt, 2007, Minh văn chữ Hán trên đồ đồng Đông Sơn, trong Khảo cổ học, số 5-2007.

 

Description: Description: IMG_0113wDescription: Description: IMG_0118w

Description: Description: TayVuMacroCoLoaDescription: Description: TayVuMacro


 

Chú thích minh họa (Từ trái sang phải, từ trên xuống dưới)
- Minh văn trên trống Cổ Loa (Bản rập và phục dựng của Ba Hyu)
- Minh văn trên bình đồng năm 118 trong mộ Quảng Tây ghi rõ "Tây Vu Lý Văn Sơn" : do người Tây Vu là Lý Văn Sơn đúc
- Phóng đại chữ đầu tiên dòng minh văn trống Cổ Loa. Ba Hyu đọc là "Việt". Tác giả đọc là "Tây Vu"
- Phóng đại hai chữ "Tây Vu" khắc trên ấm đồng thế kỷ 1 trước Công nguyên.

Gần đây xuất hiện một cách đọc khác về dòng minh văn đó, kết quả nghiên cứu công phu của một chuyên gia minh văn người Nhật tên là Ba Hyu (Mã Hỗ). Ông đã dùng bản rập của một đồng nghiệp Nhật bản, người đã cùng Trịnh Sinh trực tiếp tẩy rửa và in dập lại dòng minh văn từ bản gốc chiếc trống Cổ Loa. Trong một công bố bằng tiếng Nhật gần đây nhất trên tạp chí “Cổ đại văn hóa” (tháng 6-2011)[1], ông đã đọc dòng minh văn này như sau :

“ VIỆT TẬP (tứ thập) BÁT CỔ, TRỌNG LƯỠNG CÁ

BÁCH BÁT THẬP NHẤT CÂN”

Dịch nghĩa : Chiếc trống đồng thứ 48 của Việt tộc,
nặng hai trăm tám mươi mốt cân.

 

Việc so sánh 281 cân ( một cân thời Tần Hán nặng 256,25gr) với trọng lượng thực 72kg của trống Cổ Loa là khá hợp lý. Và như vậy không có chữ “Tây Vu” mà thay vào đó là chữ “Lưỡng Cá” có tự dạng khá gần nhau. Tác giả đã có ít nhiều cơ sở minh văn đương thời để ghi nhận cách đọc 281 cân là “lưỡng cá bách bát thập nhất cân”. Tuy nhiên, điều bất ngờ là Ba Hyu đã đọc chữ đầu tiên là chữ Việt và chữ thứ tư là chữ “Cổ” – tức trống đồng.

Quả thực trong cách đọc trước đây của Trịnh Sinh cũng như của chính tác giả bài viết này cũng còn chưa hợp lý ở đơn vị đo lường. Việc giải được cấu trúc “Lưỡng cá bách bát thập nhất cân” bằng 281 cân tương đương 72kg chứ không phải là “Lưỡng thiên bách bát thập nhất cân” (2181 cân) theo tôi có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, chữ đầu tiên đọc là chữ Việt thì chưa hẳn đã thuyết phục. Theo một số minh văn trên đồ đồng ở Quảng Tây có ghi rất rõ chữ Tây Vu với chữ “Vu” có nét sổ thường lượn cong sang bên trái, thì nửa dưới của chữ “Việt” nói trên phải đọc là “Vu” và phần còn lại hơi giống chữ “Điền” có thể là chữ “Tây” biến dạng. Do đó, theo tôi có thể tách chữ đầu tiên thành hai chữ, không phải “Việt” mà là “Tây Vu”.

Nếu tạm chấp nhận cách đọc mới của Ba Hyu với sự chỉnh sửa của tôi ở chữ đầu tiên thì dòng minh văn trong chân trống Cổ Loa có thể đọc mới là :

TÂY VU TẬP (tứ thập) BÁT CỔ,
TRỌNG LƯỠNG CÁ BÁCH BÁT THẬP NHẤT CÂN

Dịch nghĩa : Trống thứ 48 của bộ Tây Vu, nặng hai trăm tám mươi mốt cân.
Khi đem nhân số 281 cân đó với trọng lượng đơn vị „cân“ đời Tần Hán là 256,25 gr thì khớp với trọng lượng thực của trống Cổ Loa là 72 kg.

4- Bình đồng Đông Sơn trong mộ gạch Nghi Vệ



[1]Ba Hjo, 2011, Giải nghĩa minh văn trên trống đồng Heger loại I đào được tại Cổ Loa, trong Văn hóa Cổ đại, kỳ 1 quyển 63, Kyoto, tháng 6-2011, tr. 120-124.

 

Description: Description: 1

 

Hầm mộ gạch do Parmentier khai quật ở Nghi Vệ (Bắc Ninh)\

 

 

Đầu những năm 1930 nhân dân vùng Thuận Thành (Bắc Ninh) phát hiện một số hầm mộ gạch cổ. Một số hầm mộ đó đã được Viện Viễn đông Bác cổ Pháp (EFEO)tổ chức khai quật, trong đó đáng chú ý nhất là cụm hầm mộ gạch “khổng lồ” ở Nghi Vệ, Bắc Ninhdo Parmentier khai quật. Theo một số bức hình để lại thì đây là một cụm liên hoàn gồm ba hầm mộ xây cùng một lúc, gắn liền với nhau. Phần chứa quan tài của mỗi hầm mộ đều được xây cuốn vòm như tổ tò vò, ở phía đầu mỗi hầm mộ có một sảnh vuông, ở đó phần chỏm được quây cao hơn. Đây là kiểu kiến trúc hầm mộ gạch quen thuộc của thời Đông Hán muộn ở vùng Giao Châu (khoảng thế kỷ 2 sau Công nguyên). Bên trong hầm mộ chứa nhiều đồ đồng và đồ gốm có giá trị, trong đó có một chiếc bình bụng nở, miệng thu, có vành chân đế trổ lỗ hình chữ S đứng nối đuôi nhau, thân trang trí hàng ngàn gai sần hình tròn nhỏ được đúc nổi, hai quai gắn ở phần cổ hình chữ U lộn ngược giống như quai của một số thạp đồng Đông Sơn. Nắp bình được đúc như một chiếc đĩa có ba chân úp ngược. Bình đồng này khá lớn, cao 47,5 cm, rộng bụng 38 cm. Hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt nam với ký hiệu số LSb17241. Điều đáng nói nhất ở chiếc bình này là hàng minh văn chữ Hán được khắc chạy xung quanh một nửa viền miệng chiếc bình.

 

 

Description: Description: 2Description: Description: LuyLauHo0050w1

 

 

Chiếc bình đồng ký hiệu LSb17241 khai quật trong mộ Nghi Vệ (Bắc Ninh) và chi tiết đoạn minh văn đầu tiên :“Luy Lâu hồ, dung nhất thạch, danh...“

 

 

Description: Description: 3
 Description: Description: letterweb

 

Minh văn trên viền miệng bình đồng Nghi Vệ LSb17241

 

Đã hơn 70 năm qua, dòng minh văn này vẫn chưa được đọc hoàn chỉnh. Cho đến tận gần đây nhất, khi Hội Á Châu New York phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Houston (Mỹ) mượn chiếc bình này trưng bày tại Mỹ năm 2009-2010 đã nhờ một số chuyên gia minh văn đọc thì nhiều chữ vẫn chưa thể được làm rõ nghĩa. Theo bản dịch của Terese Bartholomew and He Li ở Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á San Francisco (Mỹ) thì dòng chữ đó có nghĩa như sau : “ Bình được đúc với những vì sao, chứa được một dan, tên gọi là “Vạn Tuế”, năm Quý Mùi, thứ 16” (Tingley, 2008)[1]. Thực ra khi xem lại bản ảnh hiện vật gốc do chúng tôi chụp tại Bảo tàng Lịch sử thì có thể nhận ra bản dịch trên không được chính xác. Đặc biệt là những chữ đầu và cuối. Cụ thể những dòng cuối, những người dịch đã suy luận hai chữ “đệ vị” (thứ tự, vị trí) thành “quý mùi” (năm theo can chi). Theo tôi, ba chữ đầu tiên có thể đọc là “累樓壺Luy Lâu hồ”, tức chiếc bình của Luy Lâu. Có lẽ dựa vào tự dạng hai tác giả trên đọc thành "Tinh Vân Hồ" tức là “ A Vessel cast with stars” – Bình đúc với những vì sao.
 

 

Như vậy, toàn văn 14 chữ có thể đọc như sau : 累摟壺容一石名曰萬歲第未十六 “Luy Lâu hồ dung nhất thạch danh viết vạn tuế đệ vị thập lục”, nghĩa là : Bình của Luy Lâu, chứa được một thạch, tên gọi là “Vạn Tuế”, là đồ vật thứ 16. Luy Lâu là tên huyện, cũng là nơi thủ phủ của Giao Châu đời Hán, Tô Định, Sĩ Nhiếp đều đã từng ở tại đây. Một thạch đời Đông Hán bằng 25 lít. Cách ghi minh văn này khá phổ biến ở Giao Chỉ và Lĩnh Nam trong thời Nam Việt. Kiểu dáng, hoa văn và nhất là cách trang trí phần tai quai cho thấy chiếc bình này tuy chôn trong mộ gạch thế kỷ 2 sau Công nguyên, nhưng được chế tạo từ trước đó vài ba trăm năm, khoảng thế kỷ 1 trước Công nguyên. Tuy nhiên địa danh Luy Lâu mới chỉ được nhắc đến từ khoảng trước sau Công nguyên, gắn với thứ sử Tô Định và khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Với dòng minh văn ghi trên đồ đồng này có thể đảy niên đại xuất hiện Luy Lâu sớm hơn nữa. Tuy nhiên vẫn có hai khả năng xảy ra đối với chiếc bình quý giá này : Thứ nhất, có thể phong cách trang trí và đúc đồng Đông Sơn tồn tại dai dẳng đến những thế đầu Công nguyên, hoặc là thứ hai, bình đồng được đúc từ những thế kỷ 2-1 trước Công nguyên và được truyền lại cho đến khi được chôn trong mộ gạch thế kỷ 2 sau Công nguyên. Tác giả bài viết này nghiêng về khả năng sau.
 

B - Thảo luận

 

1-    Có tồn tại một dạng minh văn Nam Việt

 

Nói cách khác là khả năng tồn tại một loại hình minh văn Hán mang tính địa phương. Về lý thuyết địa phương học thì bao giờ sự du nhập một yếu tố văn hóa mới thì nó ít nhiều cũng bị biến dạng thành một dạng hình địa phương với một lớp màu sắc bản địa phủ lên bề mặt các yếu tố du nhập đó.

Trường hợp du nhập văn tự Hán vào thế giới Đông Sơn phân bố ở cương vực Vân Quý, Lưỡng Quảng (nam Trung Quốc) và miền Bắc Việt Nam sẽ phải thông qua bộ máy thượng tầng xã hội, tức giao tiếp ảnh hưởng của quý tộc, thủ lĩnh Đông Sơn với quý tộc, thương nhân hay quan lại đến từ phương bắc[2]. Thói quen khắc minh văn lên đồ đồng xuất hiện từ đời Thương và trở nên phổ biến từ đời Chu. Tuy nhiên, chữ Hán đương thời vẫn là một sản phẩm cao sang mà cho dù là quý tộc cũng không phải ai cũng có thể sử dụng. Việc viết và khắc thuộc về những người thợ cả có danh tiếng. Minh văn trên đồ đồng Xuân Thu – Chiến Quốc rất vuông vắn và đẹp, thậm chí còn xuất hiện nhiều kiểu khắc mang tính mỹ thuật cao, như điểu văn, triện văn, thảo văn...

 

Trong tình hình như vậy thì ở vùng Lĩnh Nam tồn tại ba loại hình văn tự Hán : 1- Văn tự thẻ tre mang phong cách Trường Sa (Sở), 2- Minh văn Trung Nguyên vuông vắn và chuyên nghiệp thường thấy trên đồ đồng có nguồn gốc Trung Nguyên, 3- Minh văn Nam Việt thường không vuông, dài và mất, thiếu nét. Loại chữ Nam Việt chủ yếu thấy trên các đồ đồng bản địa như thạp, trống, đỉnh, đèn...Đi sâu hơn vào tìm hiểu các minh văn dạng Nam Việt ta còn thấy xuất hiện cách dùng chữ Hán đồng âm để ghi âm một từ bản địa khác nghĩa (địa vị - mùi) hay tạo các bộ thủ Hán để tạo ra một chữ mới mà không tìm thấy ở Trung Nguyên (Cửu Chân, Xoang – Xuyên).

 

2-    Công thức minh văn đồ đồng Đông Sơn : Địa danh, trọng lượng và khối lượng, tên gọi của đồ đồng, thứ bậc được đánh số.

 

Minh văn đồ đồng Đông Sơn chủ yếu nhằm mục đích ghi dấu tài sản, vì vậy công thức lặp lại khá thống nhất : Những chữ đầu thường ghi địa danh liên quan đến đồ đồng và các đơn vị đo lường ghi trên đồ đồng đó. Khi khảo cứu những minh văn trên đồ đồng Nam Việt ở mộ La Bạc Loan (Labouwan), Quý Huyện, Quảng Tây và mộ Việt vương ở Tượng Sơn, Quảng Châu người ta cũng nhận thấy những chữ đầu là „Bố“, „Phiên“, „Triết“ là địa danh liên quan đến đơn vị đo lường có trên minh văn. Đơn vị đo lường ở mỗi vùng có khác nhau. Qua kiểm chứng dung lượng và trọng lượng ghi trên minh văn với dung lượng, trọng lượng thực ở thạp Long Xoang, trống Cổ Loa và trống Trạch Bái có thể kết luận đó là những đơn vị đo lường dùng phổ biến ở Nam Việt.

 

Minh văn trên đồ đồng Đông Sơn cho thấy thói quen đặt tên cho đồ vật quý giá. Thạp Long Xoang có dòng „Danh viết Quả“, trống Trạch Bái là „Danh viết Phú“, bình Nghi Vệ là „Danh viết Vạn Tuế“. Những tên đó phản ánh mong muốn thành đạt (Quả), giàu sang (Phú) và trường thọ (Vạn Tuế) cho chủ nhân.

 

Một điểm khá độc đáo của minh văn chữ Hán trên đồ đồng Đông Sơn là việc ghi thứ hạng của đồ đồng trong tổng danh mục tài sản. Cách ghi thống nhất là „đệ vị 52“ (thạp Long Xoang), „đệ vị 16“ (bình Nghi Vệ), „đệ vị 11“ (trống Trạch Bái), trong đó chữ „Vị“ lại dùng chữ „Vị - Mùi“ chứ không dùng chữ „Vị“ như cách ghi thường thấy trên gương đồng thời Đông Hán : „Vị chí tam công“. Cách dùng chữ Vị - Mùi thay cho chữ „Vị“ (vị trí, địa vị) gợi tôi nhớ đến cách thay chữ „thị“ (thì, là, mà) cho chữ „thị“ (họ, thị tộc) trên gương đồng Kofun (Nhật Bản).

 

3-    Những thông tin lịch sử từ minh văn : Long Xoang – Triệu Đà, Cửu Chân, Luy Lâu, Tây Vu – An Dương Vương.

 

3.1- Thạp Triệu Đà

 

Minh văn trên thạp Long Xoang cho ta thấy địa danh gần với tên huyện Long Xuyên, nơi Triệu Đà từng làm huyện lệnh trước khi trở thành Úy của quận Nam Hải. Có nhiều bằng chứng để có thể đưa ra kết luận đây là chiếc thạp nằm trong số tài sản của Triệu Đà đã dùng để áp phục các thủ lĩnh Tây Âu Lạc như điều mà Tư Mã Thiên đã ghi lại trong Sử Ký của mình[3].

 

Dưới đây tôi trình bày một số cơ sở làm chỗ dựa cho việc dự đoán mối quan hệ giữa chiếc thạp này với Triệu Đà.


- Thứ nhất là sự giống nhau như một cặp song sinh giữa chiếc thạp này với chiếc thạp trong mộ Việt vương Văn đế Triệu Mạt ở Quảng Châu. Triệu Mạt là con của Thái tử Thủy (Trọng Thủy), tức là cháu ruột của Triệu Đà, lên ngôi khi Triệu Đà mất năm 138 tr.Cn. Triệu Mạt mất vào năm 122 tr.Cn. Vì lý do nào đó, hai tai quai hình chữ U lộn ngược của thạp Triệu Muội bị cắt cụt một nửa đều nhau. Về kích thước, trang trí và cấu trúc có thể thấy hai thạp này như hai anh em sinh đôi (chiều cao chỉ chênh nhau 1 cm). Sự giống nhau ở cả những chi tiết cấu trúc các vành hoa văn và nhất là ở nội dung và kiểu thể hiện băng thuyền người ở giữa thân thạp. So sánh chi tiết hai thạp đã cho phép nghĩ rằng chúng được làm ra từ hai khuôn đúc khác nhau nhưng cùng một lúc trong cùng một xưởng bởi cùng một người thợ cả. Có thể giả định rằng Triệu Đà đã được tặng hoặc cho đúc hai thạp này khi ông lấy vợ Việt và làm chức Lệnh ở huyện Long Xuyên quận Nam Hải. Để tồn tại ở Nam Hải trong điều kiện nhà Tần bị thất thế, Triệu Đà và Nhâm Ngao đã chọn chiến lược dựa vào người Việt để xưng vương chống Hán. Tư Mã Thiên cũng ghi nhận việc Triệu Đà và Nhâm Ngao giết các trưởng lại người Tần thay bằng các thủ lĩnh người Việt. Rất có thể ông đã tặng lại một chiếc thạp cho người cháu kế vị là Triệu Mạt.

- Thứ hai, chữ Long Xoang trên thạp BMM-2505-29 có thể là cách ghi âm bằng chữ Hán tên huyện Long Xuyên, nơi Triệu Đà làm huyện lệnh trước khi thay Nhâm Ngao làm Hiệu Uý quản Nam Hải rồi lập nước Nam Việt. Nhiều khả năng chiếc thạp này (cũng như thạp Triệu Mạt) được đúc trong những năm khi Triệu Đà mới cùng quân Tần xuống cai quản vùng huyện Long Xuyên của quận Nam Hải (trong khoảng từ năm 214 trước Công nguyên, khi nhà Tần bình xong Dương Việt đến năm 209 trước Công nguyên, khi Triệu Đà rời Long Xuyên về Phiên Ngung thay Nhâm Ngao).

- Đơn vị đo lường thạch, thăng, đấu ... trên thạp BMM 2505-29 hoàn toàn giống đơn vị đo lường Nam Việt thể hiện trên minh văn đồ đồng khai quật trong các mộ đương thời.

- Chủ nhân chiếc thạp BMM 2505-29 phải là người rất giàu có. Chiếc thạp này có dòng ghi số hiệu :“Đệ vị ngũ thập nhị“( 第未五十二), tức là đồ vật đứng thứ 52. Cách ghi này tương tự cách thống kê đồ vật tuỳ táng trong mộ một huyện lệnh người Hán khác đương thời ở Quý Huyện – La Bạc Loan và mộ Nam Việt Văn Đế Triệu Muội.

- Triệu Đà và quan lại người Hán ở nước Nam Việt chịu rất nhiều ảnh hưởng của văn hoá Việt. Bản thân ông lấy vợ người Việt (hiện có đền thờ phu nhân người Việt của Triệu Vũ Đế ở Đồng Xâm, Kiến Xương, Thái Bình). Các con, cháu, chắt của ông cũng đa phần lấy vợ người Việt. Trống đồng, thạp đồng là những báu vật Đông Sơn được chôn theo trong mộ vua quan nước Nam Việt.

- Có một vấn đề thú vị đặt ra là nơi phát hiện chiếc thạp này. Theo thông tin từ những người sưu tầm, thạp này đào được ở Thanh Hóa. Không có lý gì mộ táng Triệu Đà lại ở Thanh Hóa. Theo sử cũ thì khi chết Triệu Đà được chôn ở Phiên Ngung (Quảng Châu hiện nay). Nhờ sự chỉ dẫn của những người sưu tầm, tháng 11 năm 2010, tôi đã đến tận nơi đã khai quật được chiếc thạp này, đó là vùng Xuân Lập, huyện Thọ Xuân tỉnh Thanh Hóa. Tại đây đã từng phát hiện được khá nhiều thạp đồng, trong đó có chiếc thạp lớn, trang trí đẹp, tương tự như chiếc thạp của Triệu Đà, hiện đang bày tại Bảo tàng Thanh Hóa. Xuân Lập nổi tiếng là vùng đất lưu giữ rất nhiều đồ đồng Đông Sơn quý giá. Theo chúng tôi, đây là một căn cứ của các thủ lĩnh Âu Lạc trên đường rút khỏi lưu vực sông Hồng do sức ép của quân Nam Việt.

Nhưng tại sao thạp Triệu Đà lại lọt vào tay các thủ lĩnh Âu Lạc. Quan hệ giữa Triệu Đà và nước Âu Lạc đã được sử gia Tư Mã Thiên, người được sinh ra gần như cùng thời với đoạn cuối của nước Nam Việt, ghi chép trong cuốn Sử Ký nổi tiếng của ông. Trong đó, đoạn nói về việc Triệu Đà thu phục Âu Lạc có câu : Triệu Đà dùng của cải áp phục Tây Âu Lạc[4]. Như vậy, rất có thể để mở rộng đế chế Nam Việt nhằm đối phó với Lữ Hậu nhà Tây Hán, Triệu Đà đã phải đem một số tài sản, của cải để thu phục các thủ lĩnh Âu Lạc. Chiếc thạp “Long Xoang” nói trên có thể là một trong số đồ vật quý giá đã được Triệu Đà sử dụng cho mục đích đó. Sự kiện này phải diễn ra trước năm 179 trước Công nguyên là thời điểm được coi như Triệu Đà đã xát nhập Âu Lạc vào Nam Việt. Sau này, khi phải rút khỏi thành Cổ Loa, chiếc thạp này đã theo chân các thủ lĩnh Âu Lạc chạy về phía nam và nằm lại ở đất Xuân Lập.

3.2- Bình Luy Lâu

Minh văn trên bình đồng gợi cho ta thấy mấy vấn đề :

a- Nghi Vệ hiện thuộc huyện Thuận Thành, hữu ngạn sông Đuống, cách thành cổ  Luy Lâu chừng 10km về phía đông. Thành cổ Luy Lâu hiện vẫn được nhiều học giả cho là ở gần chùa Dâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), thuộc địa phận làng Lũng Khê.Học giả Nhật Bản là Nishimura Masanary dành nhiều công sức nghiên cứu ở Lũng Khê lại cho rằng đây là thành Long Biên. Luy Lâu phải ở xa hơn nữa về phía đông, thuộc địa phận Hải Dương[5]. Minh văn trên bình đồng Nghi Vệ ủng hộ quan điểm Lũng Khê là Luy Lâu cổ.

b- Chữ khắc trên bình này khá đẹp và rõ ràng, tuy nhiên chữ “lục” (sáu) vẫn giữ lối viết cổ. Minh văn trên bình này góp thêm tư liệu quý báu trong nghiên cứu chữ Hán sớm trong thời Đông Sơn ở Việt nam.

3.3- Cửu Chân

          Trống Trạch Bái mang tên địa danh Cửu Chân. Chữ Cửu Chân trên trống này hoàn toàn khác với chữ Cửu Chân xuất hiện trên một đôi thạp gốm Tây Hán khai quật được ở Hợp Phố (Quảng Tây), là chữ có tự dạng tương tự như trong các sách Hán thư sau này (CửuchínChânchân thực). Chữ Cửu Chân trên trống Trạch Bái cho thấy một kiểu chữ cổ hơn, phản ánh cố gắng ghi âm bản địa hơn là thể hiện ngữ nghĩa. Về loại hình di vật thì trống Trạch Bái có niên đại thế kỷ 3-2 tr.Cn. sớm hơn đôi thạp gốm vài thế kỷ.

 

          Nơi đào được trống Trạch Bái là vùng chiêm trũng Ứng Hòa (Hà Tây cũ) thuộc lưu vực sông Đáy – Nhuệ. Liệu chăng đất Cửu Chân xưa bao gồm cả vùng này. Xét đến đời Đường có lập Trường Châu bao gồm lưu vực sông Đáy đến tận Ninh Bình. Tên Ái Châu sau này bao gồm cả Ninh Bình lẫn Nam Định, Hà Nam. Thời Lê mới lấy Tam Điệp làm ranh giới để phân thành Thanh Hoa nội, ngoại trấn.

 

3.4- Tây Vu

 

Trong Sử Ký xuất hiện lần đầu tiên ba chữ „Tây Âu Lạc“ với tư cách là một tiểu quốc „cởi trần mà cũng xưng vương“, đối tượng mua chuộc, áp phục của Triệu Đà. Sau này, năm 110 tr.Cn., khi Lộ Bác Đức mang quân đánh Nam Việt, nhiều sách sử truyền nhau ghi lại việc Tây Vu vương dòng dõi An Dương Vương chống lại. Khi Mã Viện đàn áp khởi nghĩa Hai Bà Trưng có gửi bản tấu xin chia nhỏ huyện Tây Vu thành Tây Vu, Phong Châu, Vọng Hải với lý do huyện này lớn quá.

 

          Nhiều nhà nghiên cứu đã nhận ra sự đồng âm, chuyển ngữ từ „Âu“ sang „Vu“, từ đó đồng nhất Tây Âu và Tây Vu chỉ là một. Dường như từ khoảng trước sau Công nguyên đã có xu hướng chọn chữ đơn giản đồng âm thay cho những chữ phức tạp. Ở đây ta có trường hợp Cửu và Âu – Vu.

 

          Trống Cổ Loa có kiểu dáng thế kỷ 3 tr.Cn, ghi chữ Tây Vu 48, lại đào được ở Cổ Loa bên trong chứa đày vũ khí hình tim, rất có thể là của thủ lĩnh Tây Vu khi đó chính là Thục Phán An Dương Vương.

 

          Sau này chúng tôi tìm được khá nhiều minh văn trên đồ đồng và gốm có ghi Tây Vu ở cả Lưỡng Quảng (Trung Quốc).

 

Thư mục

 

Ba Hjo, 2011, Giải nghĩa minh văn trên trống đồng Heger loại I đào được tại Cổ Loa, trong Văn hóa Cổ đại, kỳ 1 quyển 63, Kyoto, tháng 6-2011, tr. 120-124.

 

Hà Văn Tấn, 1982, Dấu vết một hệ thống chữ viết trước Hán và khác Hán ở Việt Nam và Nam Trung Quốc, trong Khảo cổ học, số 1-1982, tr.31-46.

 

Masanary, N., 2011, Khảo cổ học Việt Nam (chữ Nhật), Osaka.

 

Nguyễn Duy Hinh, 1995. Dòng chữ Hán khắc trong lòng trống Cổ Loa, trong Những phát hiện mới Khảo cổ học 1995. NXB KHXH, Hà Nội, tr. 157-158.
 

Nguyễn Việt, 2006d, The Dongsonian Situlas, trong Art & Culture, BMM- Geneva, 2006.

 

Nguyễn Việt, 2007, Minh văn chữ Hán trên đồ đồng Đông Sơn, trong Khảo cổ học, số 5-2007

 

Nguyễn Việt, 2008, Zhao Dou’s Dongsonian Situla ( Thạp Đông Sơn của Triệu Đà), bài trình bày tại Hội nghị Quốc tế về Nước Nam Việt và Văn hoá Hán, Quảng Châu, 12-2008.

 

Nguyễn Việt, 2008, Mộ táng thời Nam Việt ở Kiệt Thượng (Hải Dương, Việt Nam),bài đọc

tại  Hội nghị quốc tế về Vương quốc Nam Việt và Văn hóa Hán, Quảng Châu, 12-2008.

 

Tingley, Nancy (ed)., 2008, Art of Ancient Vietnam - From River Plain to Open Sea. Asia Society The Museum of Fine Arts, Houston, p.76.

 

Trịnh Sinh, 2006, Thử giải mã minh văn trên trống Cổ Loa (Hà Nội), trong Khảo cổ học, số 2-2006.



[1]Tingley, Nancy (ed)., 2008, Art of Ancient Vietnam - From River Plain to Open Sea. Asia Society The Museum of Fine Arts, Houston, p.76.

[2]Chúng tôi dùng khái niệm „phương bắc“ chứ không dùng những khái niệm quốc gia tộc người, như Hoa Hạ, Trung Nguyên...với quan niệm cho rằng những ảnh hưởng văn hóa Hoa Hạ xuống Lĩnh Nam không phải trực tiếp từ Trung Nguyên đến mà từ những vùng phi Hoa (non Sinica) đã bị Hoa hóa (Sinicasion). Vùng phi Hoa bị Hoa hóa sớm và lớn nhất là các vùng văn hóa lưu vực Trường Giang, như Ba Thục, Sở, Ngô, Việt…Những ảnh hưởng của Trung Nguyên đến Lĩnh Nam là từ những vùng vốn là phi Hoa đã trải qua quá trình Hoa hóa trong thời Xuân Thu – Chiến Quốc. Ta có thể gọi những vùng văn hóa đó là F1 của quá trình Hoa hóa. Cuối thế kỷ 3 tr.Cn quân Tần đánh chiếm Lĩnh Nam làm xuất hiện một số tiểu quốc vốn bắt nguồn từ những bộ lạc Bách Việt, Di Lão ở vùng Lĩnh Nam (như Tây Âu Lạc, Dạ Lang, Điền, Đông Âu, Mân..). Bối cảnh một thế kỷ Nam Việt và các tiểu quốc như vậy song song tồn tại với Tây Hán đã làm hình thành một mạng lưới văn hóa Trung Nguyên F2, tức là ảnh hưởng từ những vùng văn hóa Hán Giang Nam. Cho đến khi nhà Hán chính thức lập quận huyện ở Giao Châu (111 tr.Cn) thì quá trình Hán hóa F3 mới hình thành, với đặc trưng là chịu ảnh hưởng trực tiếp, chính thống từ Trung Nguyên và nhiều hơn lại là từ thế giới đã Hán hóa ở Lĩnh Nam (F2). Xem them Nguyễn Việt, 2010, Hà Nội thời Tiền Thăng Long, NXB Hà Nội.

[3]Sử ký, Úy Đà truyện

[4]Nguyên văn trong Sử ký của Tư Mã Thiên : 佗因此以兵威邊,財物賂遺閩粵、西甌駱...(Đà nhân thử dĩ binh uy biên, tài vật lộ di Mân Việt, Tây Âu Lạc…). Tạm dịch : Triệu Đà nhân thế lấy quân uy hiếp biên giới, đem của cải mua chuộc Mân Việt, Tây Âu Lạc.

[5]Masanary, N., 2011, Khảo cổ học Việt Nam (chữ Nhật), Osaka.

 

 

OTHERS ARTICLES



[12/16/2019] 越南早期汉文字的铭文(Early Han Inscriptions in Vietnam)

[8/13/2011] Nguồn cội hình thành truyền thuyết Thánh Gióng

[8/13/2011] Phát hiện thêm trống Đông Sơn có minh văn

[8/13/2011] Yên Bái - Vùng đất của những thạp đồng Đông Sơn lớn nhất và đẹp nhất

[8/29/2010] Ly's name of Giao Chỉ during Han Age

[1/11/2010] Khảo sát dòng họ Lý từ khởi nguồn đến Lý Công Uẩn

[1/10/2010] Những người dân xa xứ đã từng hiến đất mở rộng kinh thành Thăng Long ở TK 15

[10/26/2008] Thạp đồng Đông Sơn của huyện lệnh Long Xoang (Xuyên) Triệu Đà

[10/20/2008] Âu Lạc và Giao Chỉ - một số vấn đề ngữ âm học lịch sử

[10/3/2008] Triệu Đà

[10/1/2008] Thanh kiếm ngắn Đông Sơn mang hình tượng Hai Bà Trưng

[10/1/2008] Đai hội Khảo cổ học Thế giới (WAC-06)

[8/7/2008] ArchaeoEthnobotany records of Canarium in Vietnam and in SEA

[8/7/2008] Hoabinhian Macro Botany

[8/6/2008] Archaeology of Death in Vietnam

[8/6/2008] Homeland of the HoaBinhian in Vietnam

[8/6/2008] Hoabinhian Food Strategy in Vietnam

Top  |   Print |   Email


 

Web Design by thietkeviet.com - © Copyright 2008 - 2024 by Dr. Nguyen Viet. All rights reserved.