DrNguyenViet.com >
Articles
>
Thanh kiếm ngắn Đông Sơn mang hình tượng Hai Bà Trưng [10/1/2008]
Chiếc kiếm ngắn Đông Sơn mang dư ảnh Hai Bà Trưng
Nguyễn Việt
1- Tượng nam và tượng nữ trên cán dao găm Đông Sơn và phân bố của chúng
Từ lâu tôi đã chú ý đến những tượng nữ trên cán dao găm Đông Sơn. Việc phân biệt tượng nam hay nữ trên cán dao găm Đông Sơn đã từng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm thảo luận[1], nay nhờ tư liệu phong phú, có thể xác định chúng khá đơn giản và rõ ràng. Trước hết có thể nhận thấy hai loại hình tiêu biểu nhất trong số những tượng phát hiện trong context khảo cổ hoặc của những sưu tập sớm có độ tin cậy cao : những tượng nữ khai quật ở Làng Vạc (Nghệ An), Núi Nưa (Thanh Hoá) và tượng nam ở Núi Đèo (Thuỷ Nguyên), Quả Cảm (Bắc Ninh), Đông Sơn (Thanh Hoá)[2] những tượng trong sưu tập d’Argence hiện trưng bày tại Bảo tàng lịch sử và hai tượng trên cán dao Đông Sơn khai quật được ở nam Trung Quốc[3]. Sự khác biệt của hai nhóm tượng này thể hiện khá rõ và mang tính địa phương. Những tượng Làng Vạc và Núi Nưa thể hiện lối trang phục kín khắp người (áo váy) với thắt lưng dày trên phần eo luôn buông dài tận chân có tua núm và các vòng hạt chuỗi đeo nhiều tầng ở cổ. Các nhà nghiên cứu đều dễ thống nhất đó là đặc trưng tượng nữ, cho dù kiểu đầu tóc ở các tượng có ít nhiều thay đổi. Ở nhóm tượng còn lại, đặc trưng nổi bật nhất là ở trần (hở hai núm vú dẹt) và đóng khố ngắn có tua. Các khố này được trang trí hoa văn và tạo thành hai bản dẹt hình thang phía trước và sau bộ phận sinh dục. Đây là bằng chứng thuyết phục của tượng nam. Từ những tiêu chuẩn này chúng ta có thể nhận ra thêm những đặc điểm trang sức của nam và nữ thời Đông Sơn : ví dụ nữ đeo nhiều vòng chuỗi, khuyên tai, vòng cổ tay lớn và đơn giản trong khi tượng nam đeo khuyên tai gối quạ (Quả Cảm, Hồ Nam...), vòng đeo ở cánh tay... Cũng với những đặc trưng nhận biết này ta có thể nhận ra những tượng „lạ“ được làm không phải theo phong cách Đông Sơn.
Hai nhóm tượng trên thực chất là hai khối tư duy tôn vinh nam nữ có chủ đích. Kiểu thể hiện khá ổn định với hai cánh tay cong khuỳnh chống nạnh đối xứng tạo độ cầm đày tay cho một cán dao găm. Đa phần tượng nữ phát hiện được ở vùng sông Mã, sông Cả là nơi chế độ mẫu hệ còn bảo lưu rất lâu về sau này. Chúng ta đều biết, sự lan toả của chế độ phụ hệ trong lịch sử Việt Nam có chiều hướng từ phía bắc xuống phía nam. Khối các dân tộc tàn dư hoặc chịu ảnh hưởng của văn hoá Chăm ở miền Trung nước ta cho đến hiện nay vẫn còn chứa đậm nhiều nét bảo lưu của chế độ mẫu hệ. Việc phổ biến cán dao găm tượng nữ ở vùng Nghệ An, Thanh Hoá chứng tỏ chế độ mẫu hệ trong khoảng trước thế kỷ 3 sau Công nguyên còn rất phổ biến tại đây. Ngược lại, vùng phân bố của các tượng nam tập trung ở phía bắc, tức lưu vực sông Hồng (Sơn Tây, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh...) phản ánh hiện tượng chế độ phụ hệ có thể đã xác lập phổ biến. Vùng sông Mã được coi như vùng đan xen với sự tồn tại cả hai loại hình với ưu thế trội thuộc về các tượng nữ. Gần đây có một số thông tin phát hiện tượng nam ở vùng Làng Vạc. Điều này, nếu đúng, cũng không lấn át được tính ngự trị của các tượng nữ ở vùng này.
2- Tượng đôi trên cán dao găm, một số phát hiện ngẫu nhiên
Trong khai quật khảo cổ học chính thức chúng ta chưa từng phát hiện được những tượng đôi trên cán dao găm. Tuy nhiên, trong một số trưng bày và công bố gần đây ở trong và ngoài nước, xuất hiện một số tượng đôi thể hiện trên cán dao găm Đông Sơn.
Nhóm nhiều tượng đôi nhất thuộc về sưu tập của Nguyễn Đại Dương trưng bày tại nhà hàng Trống Đông Sơn. Tôi đã có may mắn được nghiên cứu trực tiếp ba tượng đôi thuộc sưu tập này. Theo tôi, chỉ có chiếc dao găm có tượng hai người ngồi trên vai nhau là đáng chú ý. Chiếc dao găm này được người sưu tầm đầu tiên (Nguyễn Đại Dương là người mua lại về sau) cho biết có nguồn gốc Nghệ An (Làng Vạc ?) (hình).
Cụm tượng này thể hiện hai người công kênh nhau. Người ngồi trên mang rõ nét những đặc trưng quý tộc nữ. Kiểu đầu tóc bồng chải ngược như phần đầu không chỏm của tượng Núi Nưa hay tượng trên dao găm 2505-77 của Bảo tàng Barbier-Muller[4]. Trang trí trên toàn thân (tay và váy) phản ánh chiếc áo váy thêu in hoa văn. Trên cổ người ngồi trên đeo hai lần vòng chuỗi. Hai tai đeo hai vòng khuyên lớn. Thắt lưng quấn cao trên eo với dải thả búi thõng phía đằng sau. Phần đùi và chân đều có hoa văn trang trí kiểu trang trí trên váy. Hai chân để trần lộ rõ ngón thả thõng đến ngang đùi người bên dưới đước giữ bởi hai tay của người công kêng mình. Cánh tay người ngồi trên khuỳnh ra, phần bàn tay ôm lấy phần đỉnh đầu của người dưới. Mặt quý tộc nữ thể hiện theo kiểu mặt người Núi Nưa, tức khuôn mặt bầu hình trám với chiếc cằm nhọn. Khi bị gỉ dễ nhầm với chòm râu nhọn của đàn ông. Mắt khắc bằng hai đường viền như kiểu vòng tròn đồng tâm.
Tượng bên dưới đứng nhìn thẳng, phần đầu bị kẹp giữa đùi người ngồi trên nên không rõ kiểu đeo vòng và trang trí đầu. Hai tay giữ chặt chân người ngồi trên. Thắt lưng và váy được thể hiện rất rõ nét theo những đặc trưng phục trang nữ. Chân đi đất để lộ ngón.
Một tượng cán dao găm khác có nội dung tương tự được giới thiệu trong cuốn „Art Ancien du Vietnam – Bronzes et Ceramiques“ do Monica Crick biên tập, xuất bản đầu năm nay ở Geneva (Thuỵ Sĩ)[5]. Theo tác giả, hiện vật này thuộc sưu tập của Phạm Lan Hương. Đó cũng là một cặp đôi nữ công kênh nhau trên vai cùng phong cách với tượng thuộc sưu tập nhà hàng Trống Đông Sơn ở Hà Nội. Dao găm có kiểu chuôi và lưỡi lá tre theo phong cách sông Mã. Trên bản lưỡi có khung trang trí thu theo khuôn hình lá lưỡi. Kiểu trang trí trên toàn thân với búi thắt lưng thả dài khiến chúng được xếp vào nhóm tưọng nữ, mặc dầu người phía dưới to lớn hơn dường như được khắc những nét vạch ở cằm thể hiện vành râu cằm ? Theo tôi người bên dưới cũng là nữ giới. Người ngồi trên có đai đầu và phía sau có một chiếc trâm cài hình chữ C nằm úp hai đầu soắn nhiều vòng. Trên lưng người này có những đường vạch chìm như thể hiện mớ tóc xoã của bức tượng. Mảng eo được thể hiện bằng ba vòng quấn thắt lưng. Dải thắt lưng có búi lớn thả ở phía sau thóng xuống ngang thắt lưng của người công kênh bên dưới. Tai trái người ngồi trên đeo một khuyên nhưng tai phải đeo chồng tời hai khuyên và dường như có cả một cụm chuỗi vòng nhỏ phía trên, như kiểu đeo tai ở tượng chiến binh nam mang đầu lâu trên lưng. Chân người này để trần lộ cả ngón đang quặp chặt vào eo người bên dưới và được giữ bởi hai tay người bên dưới. Trên phần chân từ đầu gối trở xuống của người ngồi trên có những đường trang trí hoa văn rất phổ biến của tượng nữ Làng Vạc, Núi Nưa. Đó là những vòng tròn đồng tâm tiếp tuyến song song đối xứng biến thể thành hai hình chữ S đối xứng gương như cách thể hiện trên quai thạp đồng vậy. Khuôn mặt người trên thể hiện nữ tính rất rõ với đôi mắt khắc chìm vành mi dưới cong hất lên tương ứng với cái miệng đang cười. Hai tay ôm lấy đầu người công kênh mình.
Tượng phía dưới đứng thẳng, hai tay nắm chặt cổ chân người ngồi trên. Mặt thể hiện nam tính với râu cằm, tai đeo vòng, nhưng phần trang phục lại thể hiện rõ nét nữ tính với thắt lưng thả búi và váy dài tận chân.
Đáng nói nhất ở đây cụm tượng người, thú mang đậm phong cách Làng Vạc với sự thể hiện tập trung cặp tượng nữ sinh đôi ngồi song song trên lưng voi được đỡ bởi hai con thú lạ khác (Hình). Cụm tượng này được tạo thành cán cầm của một lưỡi kiếm ngắn thanh mảnh như một quyền trượng hơn là một vũ khí thực thụ. Chủ nhân lưỡi kiếm này cũng là bà Phạm Lan Hương. Báu vật này hiện đang trưng bày tại Galerie HIOCO, Paris[6]. Cán kiếm là một tác phẩm nghệ thuộc phức hợp chứa đựng nhiều tư duy của nghệ sĩ. Tư duy này phác thảo trên nền một phong cách nổi tiếng của nghệ thuật trang trí cán dao đồng Làng Vạc : Đôi hổ đỡ voi mang bành. Cuộc khai quật Làng Vạc của Viện Khảo cổ học trong những năm chiến tranh (1972-73) đã phát hiện in situ con dao găm đầu tiên như vậy[7]. Bảo tàng Barbier-Mueller cũng sở hữu một chiếc tương tự[8] (hình). Trên thanh kiếm ngắn của Hioco Galerie, phần thân cán cũng tạo bởi hai con thú có hình dáng gần giống với một con tôm khổng lồ. Phần miệng thể hiện hàm răng như cá sấu với hàm dưới lại như một cánh tay đỡ chân con voi. Lần này con voi được tạo hình đối xứng với hai đầu rõ rệt. Bốn trụ chân chính của voi được gắn liền với tay (hàm dưới) con thú (tôm hùm) bên dưới, trong khi hàm trên (hoặc mũi nhọn ở đỉnh mũi tôm, có mắt nổi giống mắt tôm hùm) gắn với vòi và cặp ngà voi. Khi nhìn chính diện mặt voi, hai cái tai vuốt nhọn trông rất giống hình tai trên khuyên hai đầu thú Sa Huỳnh. Tôi nghĩ rằng chúng có ảnh hưởng phong cách nghệ thuật khuyên tai hai đầu thú Sa Huỳnh. Khác biệt là ở sự thể hiện bành voi.
Ở các cán dao hổ đỡ voi Làng Vạc khác, phần bành voi thể hiện một bành ngồi có chân đỡ trông như một ngôi nhà sàn mái cong của Inđonesia. Trên thanh kiếm tôi đang nói tới, thay vào vị trí bành voi là tượng hai nữ quý tộc ngồi xổm ở tư thế hai tay ôm gối chắp trước ngực. Đầu gối hở ra và đôi chân để trần lộ ngón. Hai tượng giống nhau như hai chị em sinh đôi. Tượng thể hiện theo phong cách Núi Nưa (Thanh Hoá) với kiểu tóc hất bồng cao có thắt eo ở giữa. Mặt hình trám bầu, cằm nhọn. Mắt kiểu vành tròn đồng tâm có lông mày chấm rải, mũi vuốt nhô. Trên phần cổ và ngực có những vòng chuỗi nhiều tầng. Phía sau lưng gáy là một hốc lõm hình thang có hai vòng bán khuyên, vừa như thể hiện búi tóc, vừa dùng làm chỗ có thể đeo nhạc chuông. Hiện vật này đã được nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm của công ty giám định cổ vật Ciram (Paris). Tôi may mắn có được 2 ngày trong cuối tháng Sáu năm nay nghiên cứu trực tiếp hiện vật và hiện có trong tay toàn bộ kết quả nghiên cứu thành phần hoá học, X-ray của báu vật này.
3- Tính biểu trưng và tính mô tả trong nghệ thuật tạo tượng cán dao găm Đông Sơn – hình tượng những nữ anh hùng Việt Nam sống vào cuối văn hoá Đông Sơn : Bà Trưng, Bà Triệu.
Từ lâu, tôi đã theo đuổi một ý nghĩ về tính biểu trưng (Symbolism) hay tính tả thực (Realism) của các nhân vật trên cán dao găm. Phân tích 30 cán dao găm hình người, thú Đông Sơn mà tôi hiện có tiêu bản studio có thể nhận thấy các nghệ nhân Đông Sơn đã có những ràng buộc mang tính quy chuẩn kỹ thuật, nghệ thuật khi chế tạo tượng cán dao găm : dáng đứng, kiểu đầu tóc, váy, khố, vòng trang sức, cách thể hiện hoa văn ... và ở giai đoạn đầu, cán dao găm Đông Sơn mang tính biểu trưng quyền lực chung của thủ lĩnh nhiều hơn[9]. Tượng người được tạo ra mang tính đại diện chứ không nhằm mô tả một nhân vật cụ thể.
Tuy nhiên vào khoảng cuối Đông Sơn (thế kỷ 1 tr.Cn - thế kỷ 3 sau Cn) xuất hiện những pho tượng chứa đựng „cá tính“ – mang rìu chiến, dao găm, đầu lâu người (hình). Phần chắn lưỡi cũng được trang trí thêm bởi những móc câu soắn tròn (hình) và đặc biết xuất hiện tượng quý tộc nữ được công kênh và tượng hai chị em sinh đôi nói trên[10]. Theo tôi, ba hiện vật giới thiệu ở trên có độ tin cậy cao mặc dù nó không nằm trong các cuộc khai quật khảo cổ học chuyên nghiệp.
Chúng đều tôn vinh những quý tộc nữ khiến tôi liên tưởng đến sự thực lịch sử gắn liền với những nhân vật nữ anh hùng cụ thể xuất hiện trong khoảng cuối văn hoá Đông Sơn : Hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị đầu công nguyên (thời kỳ người Việt chưa mang họ như ngày nay) và sau đó là Bà Triệu (thế kỷ 2-3 sau Công nguyên, khi người Việt quý tộc bắt đầu mượn họ phương bắc - họ Triệu – vua Nam Việt).
Truyền thuyết đều gắn họ với voi chiến (ngựa chiến vào Việt Nam rất muộn và không thuộc truyền thống quân sự Việt). Và hình ảnh hai chị em quý tộc sinh đôi ngồi trên lưng voi hai đầu của chiếc kiếm nói trên hoàn toàn có thể gắn với tính tả thực về hiện tượng khởi nghĩa Hai Bà Trưng gây chấn động cả khu vực Đông Á đương thời. Những tượng nữ mang phong cách Núi Nưa đứng đơn cũng là sự tôn vinh những nữ thủ lĩnh anh hùng như vậy. Đặc biệt tượng nữ trên kiếm ngắn mang rìu chiến hiện trưng bày ở Galerie HIOCO (Paris) là một minh hoạ rất sinh động cho giả thuyết này (hình).
[1] Lê Văn Lan, 1974, Trang phục thời đại Hùng Vương, trong Hùng Vương dựng nước, tập 2, Hà Nội, tr. Trịnh Sinh và Nguyễn Văn Huyên, 2002, Trang sức trong văn hoá Đông Sơn, Hà Nội. Phạm Minh Huyền, 1997, Tượng người trên cán dao găm Đông Sơn, trong Khảo cổ học, số... Hà Nội. Nguyễn Việt, 2004, Trang phục trong văn hoá Đông Sơn, trong Kỷ yếu Hội nghị 80 năm nghiên cứu Văn Hoá Đông Sơn, Thanh Hoá.
[2] Goloubew, V. ,1929, L’Âge du Bronze au Tonkin et dans le Nord-Annam, BEFEO, tom XXIX, Hanoi, fig.18C và Pl.XIX. Janse O., 1946, 1952, Archaeology in Indichina, Phụ bản ảnh, fig. 20.
[3] Một tượng đã được giới thiệu trong cuốn Văn hoá Đông Sơn, Hà Nội, 1994, chủ biên Hà Văn Tấn. Một tượng khác khai quật ở Hồ Nam năm 1974 ( xem Cheng Dong và Zhong Shao-yi , 1990, Ancien Chinese Weapons- Collection of Pictures, hình 4-188)
[4] Art Ancien du Vietnam – Bronzes et Ceramiques“, ed. by Monica Crick, Collection Baur, Geneva 2008, Cataloge : Bronzes, 3.
[5] Art Ancien du Vietnam – Bronzes et Ceramiques“, ed. by Monica Crick, Collection Baur, Geneva 2008, Cataloge : Bronzes, 2.
[6] Galerie Christophe HIOCO, 2008, Vietnamese Bronzes – The Symbolism of Emotion, Paris, tr. 20. No 4-Swort
[7] Hà Văn Tấn (ed.), 1994, Văn hoá Đông Sơn ở Việt Nam, NXB KHXH, Hà Nội. Hình
[8] Arts de l’Antiques – Fluerons du musee de Barbier-Muller, ed. by Laurence Mattet, Paris, Geneva. Catalogue tr. 462.
[9] Dao găm xuất hiện trong văn hoá Đông Sơn vào khoảng thế kỷ 4-5 tr.Cn. Dao có cán tượng người đều thuộc loại hình sông Mã, tức ở phần chắn giữa lưỡi và đốc thường được đúc dài và thon nhọn ở hai đầu sau đó uốn cong soắn hình sừng trâu. Loại này có kiểu lưỡi hình lá tre mặt cắt thấu kính dẹt khác hẳn với loại dao găm ảnh hưởng phong cách Điền. Có ba loại đốc phổ biến : Ngang hình chữ T, hình củ hành hay củ tỏi (gallic) có hoặc không có trổ lỗ và hình tượng người, động vật. Sự xuất hiện của các loại tay cầm dao găm loại hình này không đồng đều. Những dao găm trong mộ Việt Khê đại diện cho nhóm sớm. Tại đây, chúng ta chưa thấy dấu hiệu nào của dao găm cán tượng người mà mới chỉ thấy những dao găm thuộc loại hình có đốc tay cầm đơn giản : “chữ T”, “củ hành”. Những dao găm khảo cổ học phát hiện ở Làng Vạc đều thuộc nhóm muộn (khoảng sau thế kỷ 2 tr.Cn). Bên cạnh sự tiếp tục phổ biến của hai dạng sớm bắt đầu xuất hiện dạng muộn với nhiều kiểu tượng người thú khác nhau. Những dao găm Đông Sơn cán tượng nam phát hiện ở Trung Quốc được xếp niên đại Chiến Quốc (thế kỷ 3-4 tr.Cn). Theo chúng tôi, có hai giai đoạn phát triển dao găm cán tượng người : giai đoạn sớm ở vào thế kỷ 2-4 tr.Cn là giai đoạn tạo tượng người mang tính công thức, biểu trưng và giai đoạn sau xuất hiện những tượng mang nét cá tính, mô tả. Những dao găm cán tượng người, thú phát hiện ở Làng Vạc thuộc giai đoạn phát triển sau.
[10] Trong sưu tập dao găm Đông Sơn của nhà hàng Trống Đông Sơn (Hà Nội) có một số tượng mang nội dung lạ. Tôi đã có dịp nghiên cứu studio những tượng đó, như tượng đôi nam nữ, tượng đôi “dâng rượu”, tượng người thổi sáo…nhận thấy nhiều điểm ngoài quy luật truyền thống của nghệ thuật và kỹ thuật Đông Sơn.
OTHERS ARTICLES
[12/16/2019]
越南早期汉文字的铭文(Early Han Inscriptions in Vietnam)
[12/16/2019]
MINH VĂN CHỮ HÁN SỚM Ở VIỆT NAM
[8/13/2011]
Nguồn cội hình thành truyền thuyết Thánh Gióng
[8/13/2011]
Phát hiện thêm trống Đông Sơn có minh văn
[8/13/2011]
Yên Bái - Vùng đất của những thạp đồng Đông Sơn lớn nhất và đẹp nhất
[8/29/2010]
Ly's name of Giao Chỉ during Han Age
[1/11/2010]
Khảo sát dòng họ Lý từ khởi nguồn đến Lý Công Uẩn
[1/10/2010]
Những người dân xa xứ đã từng hiến đất mở rộng kinh thành Thăng Long ở TK 15
[10/26/2008]
Thạp đồng Đông Sơn của huyện lệnh Long Xoang (Xuyên) Triệu Đà
[10/20/2008]
Âu Lạc và Giao Chỉ - một số vấn đề ngữ âm học lịch sử
[10/3/2008]
Triệu Đà
[10/1/2008]
Đai hội Khảo cổ học Thế giới (WAC-06)
[8/7/2008]
ArchaeoEthnobotany records of Canarium in Vietnam and in SEA
[8/7/2008]
Hoabinhian Macro Botany
[8/6/2008]
Archaeology of Death in Vietnam
[8/6/2008]
Homeland of the HoaBinhian in Vietnam
[8/6/2008]
Hoabinhian Food Strategy in Vietnam
|