Năm 2008, nhân một hội nghị quốc tế họp ở Quảng Châu tôi có quen biết với một giáo sư khảo cổ học Trung Quốc trẻ tuổi, được đào tạo ở Âu-Mỹ về, hiện đang công tác ở Cục Di sản văn hóa biển của Chính phủ Trung Quốc.

Trong lần gặp gỡ thứ hai - cũng tại một hội nghị quốc tế ở Hà Nam (Trung Quốc) vào năm 2010, vị giáo sư này đã hé mở rằng Chính phủ Trung Quốc đã cho thành lập một cơ quan nghiên cứu và quản lý các loại hình di sản văn hóa biển, trong đó tàu đắm và hàng hóa trong đó được coi như trọng tâm hàng đầu.

 
 Bản đồ Việt Nam.

 

Lần gặp gỡ gần đây nhất là năm 2012, vị giáo sư trẻ này nhân dịp mới chuyển công tác từ Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc sang Trung tâm Di sản văn hóa biển, đã mời cơm tối tôi và một đồng nghiệp người Đức, nhằm tìm đối tác nghiên cứu trong lĩnh vực di sản văn hóa biển.

Theo đó, Chính phủ Trung Quốc muốn phối hợp với các nước trong khu vực tìm kiếm những con tàu đắm và hàng hóa đi kèm theo các con tàu đó. Ông ta đề nghị tôi cộng tác hoặc giới thiệu cho một cộng tác viên Việt Nam khác - một nhà khảo cổ học có thể thông thạo Anh ngữ hoặc Hoa ngữ - quan tâm đến vấn đề tàu đắm.

 

Trung Quốc muốn tìm thêm chứng cứ?
 

Thực ra, từ mấy thập kỷ nay rồi, các nhà khoa học Trung Quốc cũng như nhiều nước trên thế giới đã quan tâm nghiên cứu và trục vớt, khai thác các con tàu đắm. Tuy nhiên, đa số tàu đắm được khai quật ở Trung Quốc cho đến nay chủ yếu là tàu sông hoặc tàu cận duyên. Rất hiếm khi khảo cổ học Trung Quốc phát hiện được những con tàu đắm vượt biển như con tàu đời Tống mang ký hiệu Hải Nam 1, vừa mới được trục vớt nghiên cứu ở đảo Hải Nam (Trung Quốc).

Việc hợp tác điều tra, khai quật và nghiên cứu di sản văn hóa biển nói chung giữa các nhà khoa học trên thế giới vốn dĩ là chuyện rất phổ biến và bình thường.

Nhưng điều mà Liu Shuquang - lãnh đạo Trung tâm Quốc gia về di sản văn hóa dưới nước - tuyên bố khi nói về các con tàu đắm ở biển Đông: “Chúng tôi muốn tìm thêm những chứng cứ có thể xác nhận việc người Trung Hoa đã từng đi đến đó và sinh sống ở đó, như là chứng cứ lịch sử giúp công nhận Trung Quốc là chủ nhân đã từng chiếm hữu biển nam Trung Hoa” (dẫn theo tờ Wall Street Journal của Mỹ ngày 2.12.1013: “We want to find more evidence that can prove Chinese people went there and lived there, historical evidence that can help prove China is the sovereign owner of the South China Sea”) thì quả là quá chủ quan và thiếu khoa học.

 

Hóa ra vấn đề điều tra, nghiên cứu tàu đắm trên biển đối với các nhà khảo cổ học Trung Quốc không thuần túy là vấn đề học thuật mà nhằm phụ họa cho những đòi hỏi vô lý về cái gọi là chủ quyền “đường lưỡi bò” (hay “đường 9 đoạn”) trên biển Đông.

Điều này đã từng được Thứ trưởng Bộ Văn hóa Trung Quốc Li Xiaojie phát biểu vào tháng 9 năm 2012 nhân dịp thăm trưng bày những hiện vật gốm sứ lấy từ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam: “Khảo cổ học biển có nhiệm vụ minh chứng cho chủ quyền quốc gia”.

Theo logic của những người đại diện cho Chính phủ Trung Quốc trong lĩnh vực di sản văn hóa biển thì cứ ở đâu có tàu đắm và hàng hóa Trung Hoa thì nơi đó thuộc chủ quyền của Trung Hoa!

 

Đây là một luận điểm rất vô lý và nước lớn. Lịch sử hàng hải quốc tế còn ghi nhận sự kiện mấy con tàu của Hà Lan trong thế kỷ 17 bị mắc cạn tại vùng quần đảo Hoàng Sa.

 

Để cứu vớt thủy thủ đoàn và hàng hóa trên tàu, người Hà Lan đã đến trình với chúa Nguyễn ở Đàng Trong với tư cách là người đang nắm chủ quyền sở hữu và khai thác vùng biển Hoàng Sa đó. Người Hà Lan khi đó đã chiếm giữ cả Indonesia, một phần Đài Loan vẫn tôn trọng chủ quyền của Việt Nam chứ không vô lý đến mức giở thói kẻ mạnh đòi rằng: “Tàu và hàng của tôi ở đó thì đó là đất của tôi”.

Người Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền khi ấy của Việt Nam Cộng hòa vào năm 1974 là vì một mục tiêu mà giờ đây đã rõ với chủ trương tuyên bố chủ quyền ''đường lưỡi bò'' trên khắp biển Đông, chứ không phải vì ở đó có mấy đồng tiền đồng và gốm sứ Trung Hoa.

Giờ đây, họ đã ngang nhiên tổ chức khai quật những con tàu đắm chở hàng gốm sứ Trung Hoa ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam rồi tổ chức trưng bày, lớn tiếng tuyên bố như những bằng chứng khẳng định chủ quyền của họ về vùng biển này. Rõ ràng chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải và giao lưu thương mại là hai vấn đề hoàn toàn khác biệt.

 

Lại nhớ rằng, tại sao vào cuối thế kỷ 10, sau những trận giành đất trên bộ, Lê Hoàn - vị Hoàng đế của Đại Việt bấy giờ - đã chính thức tuyên bố với Hoàng đế nhà Tống rằng sứ giả nhà Tống từ nay phải dừng chân ở cửa Thái Bình (Liêm Châu thuộc đất Quảng Đông, Trung Quốc hiện nay) để thuyền Đại Việt đón đưa vào lãnh hải Đại Việt.

 

Cũng tương tự như vậy, thuyền buôn từ đất Tống cũng phải cập bến Vân Đồn trước khi được cấp phép vào sâu trong cõi châu Giao (Đại Việt).

Tháng 6 năm 2013, tôi tham gia khai quật con tàu đắm thế kỷ 13-14 ở Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi. Tàu có lẽ được đóng ở vùng ven vịnh Bắc Bộ (bao gồm biển miền bắc Việt Nam và biển Quảng Đông, Quảng Tây, Trung Quốc) chở nhiều hàng gốm sứ sản xuất trên đất Tống-Nguyên thuộc lãnh thổ Trung Hoa ngày nay. Tôi cũng dự định sẽ mời các đồng nghiệp Trung Quốc cùng phối hợp nghiên cứu.

Tất nhiên, khoa học phải luôn tôn trọng sự thực. Không thể dễ dãi nói rằng con tàu đó là tàu thuyền của người Nguyên, cho dù trên thuyền có cả một quả cân đồng ghi nhãn hiệu Nguyên Mông. Lại càng vô lý khi nghĩ rằng người Nguyên đã từng đến biển Quảng Ngãi và sinh sống ở đây, để rồi theo đó cho mình cái quyền coi đó thuộc lãnh hải Trung Hoa.

 

Thực ra, vào khoảng 1282-1285 đã từng có hạm đội nhà Nguyên do Toa Đô chỉ huy đến vùng biển này với mưu đồ uy hiếp và xâm lược Chiêm Thành để đánh từ phía nam lên Đại Việt. Quân dân Chiêm Thành đã chặn đứng cuộc viễn chinh đó, buộc Toa Đô phải đưa hạm thuyền lên phối hợp với Thoát Hoan và Ô Mã Nhi đánh Đại Việt năm 1285 để rồi bỏ xác ở cửa quan Hàm Tử.

 

Khi thảo luận về chuyện hàng, thuyền liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải, một người bạn quê vùng Diễn Châu (Nghệ An) kể tôi nghe rằng thuyền buôn Hoan, Diễn (vùng Nghệ An, Hà Tĩnh) đến giờ vẫn buôn hàng từ Trung Quốc về, đêm đêm cập đầy các bến chợ trong vùng. Nói dại, nếu chẳng may một con tàu trong số đó bị đắm, chỉ dựa vào hàng trên tàu, nhiều người dễ dãi, phiến diện có thể quả quyết rằng đó là tàu Trung Hoa (?!).

Một ví dụ khác điển hình hơn, đó là con tàu đắm ở biển Quảng Ngãi của thương nhân Arập thế kỷ 8-9. Con tàu đắm này chỉ cách con tàu đắm thế kỷ 13-14 vừa khai quật tháng 6.2013 ở Bình Châu chừng 2km về phía bắc, chở nhiều gốm sứ đời nhà Đường làm ở Trường Sa (Hồ Bắc) và Quảng Đông (Trung Quốc). Đó là một con thuyền của thương lái người Arập, được đóng theo kỹ thuật đóng thuyền buộc dây phổ biến ở vùng ven biển Ôman (vùng vịnh Ba Tư xưa).

Một con tàu Arập tương tự, cùng thời cũng bị đắm ở vùng biển Beilitung (Indonesia). Người Arập hẳn là sẽ không vin vào cớ thuyền của họ đến biển Việt Nam, Indonesia hay Trung Hoa buôn bán để đòi quyền chủ nhân ở những nơi đó. Cũng như vậy, liệu chăng những người lãnh đạo Trung tâm Di sản văn hóa biển của Trung Quốc có đòi chủ quyền ở cả vùng biển Madagasca (biển Đông Phi), khi mà Trịnh Hòa đời nhà Minh đã đem thương thuyền tới đó buôn bán (?!).

Theo thông báo của Trung tâm Di sản văn hóa dưới nước của Trung Quốc thì trong kế hoạch 5 năm 2011-2015, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của họ nhắm vào “con đường tơ lụa trên biển” mà Trịnh Hòa đã thực hiện nhiều lần trong thế kỷ 16, trong đó trước hết nhắm vào phát hiện tàu đắm trên vùng biển “Nam Trung Hoa” (tức biển Đông nước ta) nhằm hỗ trợ bằng chứng khảo cổ cho công cuộc mở rộng vùng lãnh hải theo công thức “đường lưỡi bò” - một việc mà vốn lâu nay dân tộc Trung Hoa chỉ quen chú tâm vào đường sá, xe ngựa trên bộ mà đã quên lãng chưa bao giờ hoạch định lãnh hải của mình đến đó.

Những nghiên cứu và phát hiện gần đây nhất đã khẳng định rằng cho đến khi xây dựng bản đồ quốc gia chính thức vào đầu thế kỷ 20, các đời chính quyền Trung Hoa vẫn tự giới hạn vùng lãnh hải của mình đến bờ phía nam của đảo Hải Nam mà thôi. Chưa bao giờ Hoàng Sa (hay Tây Sa theo cách gọi hiện nay của Trung Quốc) và Trường Sa được ghi nhận trong ý thức chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của họ cả.

 

Cuộc đụng độ lãnh hải tàu đắm đầu tiên diễn ra gần đây, vào năm 2012, giữa Trung Hoa và Philippines trên vùng lãnh hải vốn được xem như là của Philippines, gần đây trở nên vùng tranh chấp với Trung Hoa. Đó là vùng đảo Scarborough Shoal. Khi các nhà khảo cổ học dưới nước Pháp và Philippines khai quật một con tàu đắm ở vùng biển này, Chính phủ Trung Quốc đã cho tàu hải giám uy hiếp và tuyên bố rằng đó là cuộc khai quật bất hợp pháp, dự kiến sẽ cho tàu chiến ngăn cản nếu tiếp tục khai quật.

 

Theo lời giải thích của Giám đốc Trung tâm Di sản văn hóa biển Trung Quốc là Liu Shuquang thì đây là con tàu của Trung Hoa thế kỷ 12-13, đã giúp khẳng định chủ quyền của Trung Quốc ở quần đảo này.

 

Lập luận ngang ngược

 

Lập luận rằng đâu có hàng Trung Hoa và tàu thuyền Trung Hoa thì đó là lãnh hải Trung Hoa thật ngang ngược, bất chấp mọi luật pháp trên thế giới. Ví dụ như trường hợp hai con tàu Arập thế kỷ 8-9 chở đồ gốm sứ mua tại các lò gốm Hồ Nam và Quảng Đông đời nhà Đường bị đắm ở Beilitung (Indonesia) và Quảng Ngãi (Việt Nam), chủ thuyền người Arập chắc chắn đã phải trao đổi hàng hoặc trả bằng tiền, vàng bạc cho các thương lái gốm sứ Trung Hoa để chính thức trở thành chủ nhân hợp pháp của những đồ gốm sứ đó.

 

Đích đến của họ là các cảng biển ở vùng Nam Ấn hoặc xa hơn nữa ở vùng biển Arập, Phi Châu gần Địa Trung Hải. Vì thế, thật vô lý khi khẳng định nguồn gốc hàng hóa trên tàu ở đâu thì đó là chủ quyền lãnh hải của nước đó. Trong thực tế, thương lái Nhật Bản, Triều Tiên, Đại Việt, Chà Và (Java thuộc Indonesia hiện nay), La Hộc (thuộc Thái Lan hiện nay) đã từng mang hàng của họ đến buôn bán ở Trung Hoa và cất hàng từ Trung Hoa về. Biển Đông trở thành tuyến vận tải chung cho cả khu vực.

 

Con tàu đắm Cù Lao Chàm đã được khảo cổ học Việt Nam khai quật ghi nhận thủy thủ đoàn mang dấu ấn văn hóa La Hộc (Thái Lan) chở đồ gốm sứ Chu Đậu (Hải Dương, Việt Nam) đến buôn bán cho các vùng khác ở Đông Nam Á, thậm chí xa hơn đến tận các cảng biển Arập.

Cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo giờ đây đã lan sang cả lĩnh vực tranh chấp chủ quyền những con tàu đắm, một tài sản đáng kể lên tới hàng chục triệu USD cho mỗi con tàu chở gốm sứ cổ. Đối với những người làm công tác khoa học như chúng tôi, những tuyên bố như đã nêu của những người có trách nhiệm trong lĩnh vực di sản văn hóa biển Trung Quốc đe dọa sự hợp tác nghiên cứu khoa học lành mạnh, có thể dẫn đến đối đầu, đối kháng vì những mục tiêu chính trị phi khoa học.

 

Từ khi vấn đề khai thác tàu đắm trên biển trở nên nóng bỏng trên thế giới, năm 2001, UNESCO đã đề xuất Công ước quốc tế về vấn đề Di sản văn hóa biển. Theo đó, các nước tôn trọng chủ quyền biển đảo, lãnh hải có tính pháp lý quốc tế của các quốc gia.

Trên những vùng hải phận chung, các di sản văn hóa được coi như di sản chung của nhân loại. Việc nghiên cứu, khai thác các con tàu đắm ở vùng hải phận quốc tế phải dựa trên nguyên tắc hợp tác cùng có lợi giữa các quốc gia liên quan. Tuyệt đối không dùng vũ lực nhằm độc chiếm hoặc tranh giành.

Tuyên bố cũng như chiến lược đào tạo hàng trăm nhà khảo cổ học dưới nước và cho đóng gần 200 tàu chuyên dụng phục vụ cho điều tra, khai quật tàu đắm, nhằm vươn ra ngoài vùng đã được công nhận là hải phận quốc tế đã khiến cho nhiều nước trong khu vực lo ngại.

Nhất là khi đội ngũ “khoa học” này được sử dụng như những người lính tiên phong trong việc xác lập chủ quyền biển ở những vùng rất xa hải phận cũ của Trung Quốc, chỉ dựa vào các con tàu đắm mang hàng hóa Trung Hoa.

 

Mặc dầu Chính phủ Trung Quốc luôn hô hào liên kết, hợp tác nghiên cứu khoa học cả trên lĩnh vực di sản văn hóa biển, nhưng như nhận định của Jeffrey L. Adams - một nhà nhân học Mỹ ở Đại học Minnesota - thì các chương trình nghiên cứu liên quan đến di sản văn hóa biển hô hào hợp tác quốc tế của Trung Quốc đều mang nặng dấu ấn của chủ nghĩa quốc gia. Chính vì vậy, nhiều nhà khoa học trên thế giới cho rằng thật khó có thể đi đến những thỏa thuận hợp tác điều tra nghiên cứu và khai quật bình đẳng và tôn trọng luật pháp quốc tế với Trung Quốc.

 

Có lẽ đã đến lúc các nhà khoa học Trung Quốc chân chính cần phải lên tiếng để cho sự nghiệp khoa học nói chung không đi đến hồi bế tắc bởi những luận điểm chính trị cưỡng bức, bẻ cong chân lý khoa học.

 

Dân tộc Trung Hoa và lịch sử của họ, cả trong lĩnh vực thương mại biển quả là rất đáng trân trọng; nhưng các nhà khoa học Trung Quốc cũng như trên toàn thế giới đều biết rằng, những thương nhân các nước đã đến Trung Quốc mua bán hàng hóa cũng như thương nhân Trung Quốc mang hàng đến buôn bán ở các nước khác qua các đời không mang trong họ ý đồ mở rộng lãnh thổ như ý tưởng của những người lãnh đạo công tác di sản văn hóa biển hiện nay ở Trung Quốc.

 

Họ rắp tâm lợi dụng lịch sử để phục vụ và kích động ý đồ bành trướng, xâm lược. Hàng trăm, hàng ngàn con tàu đắm của nhiều quốc gia còn nằm lại trên hải phận quốc tế ở biển Đông không thể biến thành công cụ minh chứng cho chủ quyền lãnh hải của bất kỳ quốc gia nào. Cần phải tôn trọng Công ước quốc tế, rằng đó là vùng biển chung và các con tàu đắm là tài sản chung của nhân loại.

 

Theo Lao Động Thứ 7 - Số 9 - 11/1/2014