DrNguyenViet.com >
News
>
Discoveries
Viet cho Xuan Quy Ty [2/13/2013]
NHỮNG HÌNH TƯỢNG RẮN ĐẦU TIÊN
TRONG LỊCH SỬ NGHỆ THUẬT VIỆT CỔ
Ts Nguyễn Việt
Lời nói đầu :
Năm Rồng qua đi kế liền là năm Rắn. “Rồng Rắn lên mây…”, sự gắn bó giữa hai con vật này cũng phần nào phản ảnh sự gắn bó hình bóng giữa chúng. Không phải vô cớ trật tự “can chi” từ ngàn đời đã xếp biểu tượng hai năm Rồng – Rắn kề liền nhau, cũng không phải vô cớ hình ảnh những con rồng đầu tiên có mình dài vảy rắn. Đón chào năm Rắn, học giả Nguyễn Việt cung cấp những thông tin về sự xuất hiện đầu tiên của hình tượng rắn trong nền nghệ thuật cổ Việt Nam.
“Rắn” đã từng xuất hiện trong danh mục xương động vật khai quật từ các hang động tiền sử Việt Nam có tuổi hàng chục ngàn năm trước. Tuy nhiên “Rắn” lại thuộc thể loại đề tài trang trí xuất hiện khá muộn trong thời tiền sử Việt Nam. Những hình tượng rắn chuẩn xác được phát hiện trên đồ đồng Đông Sơn, khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Trước đó, đã từng có người liên tưởng một số đồ án trang trí có dạng băng dài, đầu to múp trên gốm Phùng Nguyên, Hoa Lộc, Đền Đồi… với hình tượng rắn, nòng nọc nhưng chúng tôi thấy chưa thật thuyết phục, nhất là tính hệ thống của những biểu tượng như vậy không bộc lộ rõ nét trong dạng hình nghệ thuât kỷ hà thời Đồng Đậu, Gò Mun và Đông Sơn sau này. Vì lẽ đó, bài này sẽ chỉ tập trung phân tích các hình tượng rắn xuất hiện trên đồ đồng Đông Sơn – Âu Lạc và Đông Sơn - Giao Chỉ[1].
-
1- Rắn quấn làm tay cầm trên cán dao găm Đông Sơn Âu Lạc
Trong nền nghệ thuật đồng Đông Sơn, đề tài tượng rắn quấn dùng làm cán dao găm mới chỉ xuất hiện ở loại hình Làng Vạc. Trong thuật ngữ khảo cổ học thì Làng Vạc vốn là tên một khu mộ táng Đông Sơn ở thượng nguồn sông Hiếu giáp ranh hai huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) và Như Xuân (Thanh Hóa). Đó là một vùng có nhiều khu mộ táng Đông Sơn lớn, giàu có, liên hệ mật thiết với các khu mộ cùng thời ở Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Cẩm Thủy (Thanh Hóa) mang đặc trưng nghệ thuật đồ đồng Đông Sơn Âu Lạc[2]. Vệt phân bố của các khu mộ táng Đông Sơn Âu Lạc ở miền tây Thanh Nghệ gợi ý đến cuộc rút quân của các thủ lĩnh Âu Lạc đứng đầu là An Dương Vương trong cuộc tranh chấp quyền lực với Triệu Đà nước Nam Việt.
Khai quật khảo cổ học ở khu mộ táng Làng Vạc trong những năm 1980 đã làm xuất lộ một dao găm nhỏ bằng đồng. Đáng chú ý là phần cán dao được đúc hình hai con rắn, mắt lồi to, thân quấn vào nhau, đầu vươn lên đớp lấy phần chân trước và chân sau của một con voi có bành (hình). Kiểu trang trí dùng thân động vật làm cán với phần miệng ngoạm đỡ tượng voi khá phổ biến trong nghệ thuật Đông Sơn loại hình Làng Vạc. Chúng ta đã từng bắt gặp mô típ hai hổ hay hai cá sấu đỡ voi bành. Dạng hình rắn quấn đỡ voi giúp ta liên tưởng đến hình tượng rắn trên các vòng đeo tay cũng thường thấy trong nghệ thuật đồng Làng Vạc.
-
2- Hình tượng Rắn trên vòng trang sức đồng Làng Vạc
Vòng trang sức đồng là một chủ đề thu hút tài năng nghệ thuật của cư dân Đông Sơn ở Làng Vạc. Trong đó, nghệ thuật đúc khuôn sáp lấy nền đan bện mây tre, nghệ thuật gắn chuông nhỏ và nghệ thuật tạo hình động vật đã khiến đồ trang sức đồng Làng Vạc đạt đến đỉnh cao nghệ thuật chế tác đồ trang sức kim loại đương thời.
Trong các loại chủ đề được chọn thể hiện thì Rắn không phải là chủ để phổ biến nhất ở Làng Vạc. Cá sấu được sử dụng nhiều hơn. Tuy nhiên, trong sưu tập vòng trang sức Đông Sơn Làng Vạc của CQK (California, USA) tôi bắt gặp một vòng tay mảnh mai tạo hình thân vẩy rắn bằng các vết in khuôn đan bện thừng. Vòng làm theo kiểu ngoàm hở hai đầu với hình tượng đầu rắn có đôi mắt to lồi và vành mang tròn bạnh ở miệng. Phía trên đầu rắn có hình móc chẽ ra hai bên thể hiên hai lỗ mũi rất sinh động (hình). Có thể nhận thấy nghệ thuật tạo hình ở chiếc vòng này đạt trình độ rất cao khi nghệ nhân tạo một đoạn “cổ” thắt lại ngăn cách giữa phần thân dày dặn hoa văn với hai phần đầu rắn. Đôi mắt rắn được đảy lồi cao lên với viền con người phía trong tạo vẻ cân đối và sinh động.
Hình tượng rắn trên đồ đồng Làng Vạc cho phép liên hệ với biểu trưng rắn thần khá phổ biến trong nghệ thuật Điền (Vân Nam, Trung Quốc) – một nền văn hóa láng giềng rất gắn bó với nghệ thuật Đông Sơn. Tại đây rắn trăn trở thành một đề tài khá phổ biến. Chúng thường xuất hiện trên các tấm đeo thắt lưng cùng với hình ảnh hổ vồ bò, lợn. Đầu Rắn trong nghệ thuật Điền còn được dùng làm cán dao găm, tay cầm của muôi múc…Thảng hoặc có trường hợp tượng rắn tồn tại độc lập, trang trí như một tượng thờ cúng (hình). Điều này gợi ý đến việc thờ tượng thần rắn làm bằng lá vàng cuốn trong nền văn hóa Kim Sa của cư dân Ba Thục cổ đại ở Tứ Xuyên (Trung Quốc). Rắn trong nghệ thuật và tâm linh Điền thường được thể hiện trong tư thế đối lập với hổ, đại diện cho thế lực thiên nhiên giúp người chống lại thú dữ. Hình tượng rắn trong nghệ thuật Điền và Đông Sơn Làng Vạc gợi ý mối liên hệ gần giữa nhóm Tây Âu đã bị sát nhập vào Điền trong khoảng thế kỷ 3-4 trước Công nguyên với nhóm Tây Âu còn lại sáp nhập với Văn Lang để tạo ra lien minh Âu Lạc ở miền bắc Việt Nam thế kỷ 3 trước Công nguyên.
3- Rắn hóa rồng trong nghệ thuật Đông Sơn Âu Lạc
Trong quá trình hòa nhập với các nhóm Bách Việt Lĩnh Nam di cư xuống, nền văn hóa đồ đồng Đông Sơn đã tiếp nhận một số kiểu dáng đồ đựng lễ nghi mới lẫn nội dung, phong cách trang trí. Những liễm[1] đồng xuất hiện bên cạnh những thạp đồng Đông Sơn truyền thống mang theo phong cách trang trí Đông Sơn với những nội dung mới.
Liễm có hình Rắn hóa Rồng thuộc phong cách Đông Sơn Âu Lạc
Chiếc liễm được chúng tôi mô tả ở đây có phần trang trí chính ở giữa thân liễm gồm hai nhóm cùng nội dung “rắn hóa rồng”. Đó là hình hai con rồng thân rắn cuốn lồng vào nhau tạo ra một khoang hình bầu dục ở giữa. Đầu của hai con vật được thể hiện rõ ràng phong cách đầu rồng thới Chiến Quốc sang đến Tần Hán ở vùng Trường Giang và Lĩnh Nam. Cùng với hình voi, người cưỡi ngựa, chim mỏ dài, hươu, hổ được trang trí xen kẽ hoặc ở các băng phía trên và phía dưới có thể khẳng định chiếc liễm thuộc phong cách nghệ thuật Đông Sơn Âu Lạc.
Điều đáng nói ở đây là hai cặp rồng trên chiếc liễm này có thân hình của Rắn. Điều đó cho thấy có sự gắn bó chuyển đổi giữa hai loài linh thú này. Con rồng Đông Sơn có tuyến phát triển từ dáng vẻ và uy quyền của loài rắn thần để trở thành Giao Long, con vật thần thoại gắn với phương nam và sông biển.
[1]“Liễm” là đồ đựng bằng gốm hay đồng có hình khối trụ trên dưới bằng nhau. “Liễm” giống “thạp” nhưng có ba chân , thường dùng quai tròn gắn trên mặt hổ phù. Phần thân “liễm” thường chia làm hai phần. Một số “liễm” làm theo phong cách thạp Đông Sơn vẫn phân chia phần thân thành ba băng trang trí theo truyền thống thạp Đông Sơn.
-
4- Rắn thần trong nghệ thuật Đông Sơn Giao Chỉ
Nghệ thuật Đông Sơn Giao Chỉ muộn hơn nghệ thuật Đông Sơn Âu Lạc một vài thế kỷ, nổi bật với phong cách khắc chạm nguội trên bề mặt đồ đồng sau khi đúc và khắc chạm trên khuôn sáp trước khi đúc. Thế giới thần tiên theo chân những người Bách Việt Lĩnh Nam thời Hán đã in đậm nét trên những đồ đồng bản địa mang phong cách phương bắc, như bình, liễm, mâm, âu… Trong thế giới thần linh đó, quan niệm về tư linh thú : Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ, đã bắt đầu phổ biến cả trong nghệ thuật Đông Sơn Giao Chỉ.
Như chúng ta đã biết, trong quan niệm tứ linh của phương bắc thì Huyền Vũ là linh vật kết hợp giữa rùa và rắn. Vì thế, trên gương đồng hay nham họa hầm mộ thời Hán… ta thường bắt gặp hình ảnh rắn quấn rùa, biểu tượng phương hướng cho phía bắc. Trong trường hợp đó, rắn thuộc thế giới thần linh. Nếu như trong nghệ thuật Đông Sơn Làng Vạc, hình tượng rắn chưa thật rõ nét thuộc về một thế giới thần linh, thì trong nền nghệ thuật Giao Chỉ, rắn luôn gắn với thể giới của tứ linh.
Trong bài này tôi chỉ muốn giới thiệu một tiêu bản liên quan đến rắn trong bố cục chung của nghệ thuật tứ linh được thể hiện trên một “liễm” [3] đồng khai quật được ở Cẩm Thủy (Thanh Hóa) (hình).
Đây là một tác phẩm chạm khắc thuộc đỉnh cao nhất của nghệ thuật chạm khắc đương thời. Nghệ nhân khắc chạm hoa văn trên khuôn sáp trước khi chế khuôn đúc đồng, để lại vết in những đường cắt gọt rất sắc nét. Liễm còn nguyên cả phần nắp, tạo dáng như một khối núi (biểu tượng núi Côn Luân, nơi các vị thần tiên ở). Trên đỉnh nắp là tượng chim công. Liễm hình khối trụ thấp, chia làm hai khoang trang trí. Ba chân liễm được đúc hình gấu quỳ bố trí theo dạng chân kiềng. Phủ khắp bề mặt bên ngoài của chiếc liễm là các hình khắc gọt rất công phu và điêu luyện với nội dung chính gắn với các linh thú và thần tiên (hình). Ở phần băng trang trí phía dưới của thân liễm, ngay bên trên của một chân quỳ, có đoạn mô tả một con rắn đang lao vào đầu một con chim công (hình). Con rắn được thể hiện như một con lươn ngắn mình, có chấm vảy, đầu múp hình bầu dục mang theo đường khắc vành khoang mắt.
Đáng chú ý hơn cả là hình hai vị thần tiên mình người thân rắn có chân được bố trí ở phần nắp đạy của chiếc liễm, phần biểu tượng cho cảnh thần tiên trên núi Côn Luân (hình). Dạng người thân rắn này ta đã từng gặp trên tấm liệm mộ phu nhân Trường Sa Hầu thời Tây Hán ở Trường Sa, Hồ Nam, Trung Quốc (hình) cũng như trên nhiều nham họa hầm mộ Hán. Biểu tượng sớm của dạng người thân rắn đã có từ thời Xuân Thu – Chiến Quốc khi dùng để mô tả Nữ Oa và Phục Hy. Điều đó chứng tỏ đến thế kỷ 1 trước Công nguyên tâm linh phương bắc đã bắt đầu ảnh hưởng khá đậm vào nền nghệ thuật Đông Sơn Giao Chỉ.
Hình tượng rắn trong nghệ thuật Việt lúc giao thời Công nguyên đã mang yếu tố thần linh mà trong thời thuộc bắc đã từng có lúc hóa thân vào Triệu Việt vương ở thế kỷ thứ 6 và trở thành con vật thần linh trong các đền Thánh Mẫu bản địa.
-
5- Rắn thần trong tư liệu khảo cổ học phương Đông sớm
Hình tượng rắn thần xuất hiện sớm trong các nền văn hóa đá mới gốm màu Trung Quốc với niên đại 4 ngàn năm trước. Đặc biệt gần đây, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ở địa điểm Nhị Lý Đầu một ngôi mộ có chôn theo hình một con rắn thần dài trên hai mét ghép từ hàng ngàn viên đá ngọc nhỏ màu xanh. Đầu rắn được phóng đại lớn thành một hình chữ nhật có hai mắt, sống mũi và chiếc miệng được gắn bằng những viên đá ngọc lớn hơn và khác màu (hình). Văn hóa Nhị Lý Đầu được coi như là nền văn hóa khởi đầu cho quá trình hình thành nhà nước Ân Thương ở sông Hoàng Hà (Trung Quốc), có niên đại trên dưới 4000 năm cách ngày nay. Có thể coi đây là hình tượng rắn thần sớm nhất trong lịch sử khảo cổ học phương đông. Cũng trong khoảng thời gian này, trong văn hóa Đào Tự ở Sơn Tây (Trung Quốc) xuất lộ những đĩa gốm màu, bên trong tô vẽ hình rắn thần (hình). Từ đó, dấu ấn rắn thần đã đi vào nghệ thuật đồ đồng đời Thương ở Hoàng Hà cũng như nghệ thuật Tam Tinh Đôi, Kim Sa vùng thượng Dương Tử, tiền nhân của nền văn hóa Ba Thục cổ đại. Sự xuất hiện của rắn thần trong văn hóa Điền có lẽ chịu sự ảnh hưởng từ nền văn hóa Ba Thục ở Tứ Xuyên, sau khi nền văn hóa này bị nước Sở chinh phục. Cũng theo con đường đó, rắn thần len lỏi trong nền văn hóa Đông Sơn Âu Lạc và nhập vào thế giới linh thú Côn Luân dưới ảnh hưởng của văn hóa Hán trong thời Giao Chỉ thuộc Bắc.
[1]Văn hóa Đông Sơn được phân định khảo cổ từ khoảng 2800 đến 1800 năm cách ngày nay. Tuy nhiên, nghệ thuật Đông Sơn thể hiện trên đồ đồng lễ nghi của nền văn hóa này xuất hiện chủ yếu từ 2400 - 2500 năm trở về sau. Thời gian đó bao gồm hai giai đoạn mà ở đây chúng tôi đặt tên là Đông Sơn Âu Lạc (thế kỷ 3 trước Công nguyên đến thế kỷ 1 trước Công nguyên) và Đông Sơn Giao Chỉ (thế kỷ 1 trước Công nguyên đến khoảng thế kỷ 3 sau Công nguyên).
[2]Cũng thường được gọi chung là loại hình Làng Vạc.
[3]“Liễm” là đồ đựng bằng gốm hay đồng có hình khối trụ trên dưới bằng nhau. “Liễm” giống “thạp” nhưng có ba chân , thường dùng quai tròn gắn trên mặt hổ phù. Phần thân “liễm” thường chia làm hai phần. Một số “liễm” làm theo phong cách thạp Đông Sơn vẫn phân chia phần thân thành ba băng trang trí theo truyền thống thạp Đông Sơn.
OTHERS NEWS
[7/8/2014]
Họ Lý trong mộ gạch đầu công nguyên ở Yên Hưng (Quảng Ninh)
[7/8/2014]
Những con tàu đắm và vấn đề chủ quyền biển Đông
[7/8/2014]
Điều tra khảo sát di sản biển Quảng Ninh bước 1 - Báo cáo sơ bộ (1-10/6/2014)
[5/13/2014]
Khảo cổ học tàu đắm cổ ở Bình Châu (Quảng Ngãi)
[6/10/2013]
Tau dam
[2/12/2013]
Chung cu Khao co hoc ve Banh chung Lang Lieu
[7/2/2012]
Tiếp tục phát hiện dấu mòn lối đi cổ 21 ngàn năm tại hang Xóm Trại (xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình)
[6/18/2012]
Die Bronzefiguren von Negritos in archäologischer Funstelle von Dong-Son (Thanh Hoa, Vietnam) und in Sa Thay (Kon Tum, Vietnam) gefunden
[6/17/2012]
Phát hiện thêm trống Đông Sơn có minh văn "Cửu Chân", mang tên "Phú"
[6/17/2012]
Mai An Tiem
[6/17/2012]
The Bronze Figures of Negritos found in archaeological site of Dong Son (Thanh Hoa, Vietnam) and in Sa Thay (Kon Tum, Vietnam)
[6/17/2012]
Tượng những người da đen lạ phát hiện ở Đông Sơn (Thanh Hóa)
[5/30/2012]
Thap đồng Đông Sơn liên quan đến Triệu Đà
[4/17/2012]
Bình đồng có minh văn trong mộ gạch thời Hán ở Nghi Vệ (Bắc Ninh)
[8/23/2011]
Minh văn trên trống đồng Đông Sơn khai quật được ở Cổ Loa
[8/18/2011]
Phát hiện dấu in lúa nếp nương râu dài trong lòng trống Đông Sơn
[5/26/2010]
Về lúa cổ Thành Dền nảy mầm
[5/26/2010]
Khảo cổ Hoàng Thành đường Văn Cao
[1/11/2010]
Đền Chèm và tục thờ thần khổng lồ
[1/11/2010]
Tượng đồng Trần Hưng Đạo
[1/11/2010]
Người trao chìa khóa thành Đại La cho Lý Công Uẩn
[3/15/2009]
Người văn hoá Hoà Bình ở Xóm Trại đeo trang sức vòng cổ. Hoabinhian necklace
[1/20/2009]
Lại phát hiện thêm một viên đá có hình khắc ở Xóm Trại (Tân Lập, Lạc Sơn, Hoà Bình)
[1/7/2009]
Một số tác phẩm mỹ thuật thời đại đá cũ mới phát hiện ở hang Xóm Trại (xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình)
[10/27/2008]
Phát hiện đường đi và mộ táng văn hoá Hoà Bình tại hang Xóm Trại (Lạc Sơn, Hoà Bình)
[10/1/2008]
Những phát hiện mới trong phạm vi bãi cọc Bạch Đằng thuộc xã Yên Giang, huyện Yên Hưng (Quảng Ninh)
|