Friday, March 29, 2024

The Dongson man with war axe on his shultern as handle of a bronze dagger of 2300 years old.

 

Vegetable remains excavated in 2100 years old Dong Xa burial field of the Dong Son culture (Kim Dong, Hung Yen, Vietnam)

 

Some CESEAP members and staffs are together by former State President of Vietnam Tran Duc Luong during his visit 2nd May 2008 in Hoabinhian cave of Xom Trai (Hoa Binh)

 

Hemp (Canabis) study (Project : Ancient Textile in Vietnam)

 

H'mong cloth embroidery design (H'mong textile study)

 

DrNguyenViet.com > News > Changes



Ngóng theo bóng thày [12/5/2019]

 


Nguyễn Việt

THÀY TẤN ! Đã hơn 50 năm nay chúng tôi quen với cách gọi thân thiết này, kể từ ngày đầu tiên chàng thanh niên 31 tuổi gày gò, mảnh khảnh nhận làm Chủ nhiệm lớp Sử (khoá 1968-1972) ở nơi sơ tán Trại Chuối, Vạn Thọ, Đại Từ, Thái Nguyên. Thày sinh năm 1937, cùng tuổi với Anh trai tôi và trong lớp có tới 30 sinh viên ngang hoặc hơn cả tuổi Thày Chủ nhiệm, nhưng cái “Bóng” của Thày khi đó, cùng “Bóng” của các Thày như Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng đã toả rộng không chỉ ở Khoa Sử Tổng hợp mà bắt đầu lan ra cả nước.

Sau khi nhập trường hơn một tháng tập quân sự, chúng tôi được khoa thông báo Thày Hà Văn Tấn sẽ về làm Chủ nhiệm lớp. Khi đó, sách “Chống Nguyên Mông” đã có một tiếng vang rất lớn gắn với tên tuổi Thày và cô Phạm Thị Tâm đồng tác giả. Chúng tôi bắt đầu Ngóng Bóng Thày từ đó với mọi sự tò mò, hồi hộp như đón một Vĩ Nhân. Lớp học được hai thuần, Thày mới xuất hiện. Hoá ra Thày phải chuẩn bị thủ tục cho cuộc khai quật sắp tới ở Xóm Rền (Phú Thọ), nơi bén huyên Thày Trò chúng tôi trong những ngày giáp Tết Mậu Thân năm đó.

Khoảng cuối tháng 10-1968 Thày xuất hiện, tự tin, trẻ trung, hóm hỉnh gọi ngay đám học sinh trai thành thị chúng tôi là “lũ ông tướng” và đã thuyết phục đám trẻ nghịch ngợm nhưng ham học chúng tôi bằng việc nhận làm trọng tài, chia tổ cho trận đá bóng đầu tiên của lớp tôi. Trong đời cũng đã tham gia nhiều chục trận đá bóng, nhưng chưa bao giờ tôi ấn tượng với những sử lý siêu chuyên nghiệp của trọng tài Hà Văn Tấn ngày hôm đó. Trong đó có cả vụ cầu thủ Nguyễn Điền sút bóng mà bóng dính cả vào chân. Hoá ra móng ngón chân cái của cầu thủ này đã làm rách đường khâu trái bóng, khiến cả bàn chân ngập vào bên trong vỏ da. Sau này mới biết, Thày rất mê bóng đá. Có lẽ việc thức đêm coi những trận Ngoại Hạng Anh ngày hôm đó đã là một trong những nguyên nhân gây ra cơn đột quỵ sau khi Thày lên lớp tại Học Viện Hồ Chí Minh.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười, cận cảnh

Thày Hà Văn Tấn, Chủ nhiệm lớp Sử 1, Đại học Tổng hợp, năm 1968

DUYÊN KHẢO CỔ

Đã thành nếp, vào đông, trời xe lạnh, Nhà trường lại tổ chức []năm thứ nhất thực hành khai quật Khảo cổ học. Cả lớp rất háo hức, được chia thành ba khối : Cổ Loa, theo Thày Trần Quốc Vượng ; Tứ Xã, theo Thày Diệp Đình Hoa và Xóm Rền, theo thày Hà Văn Tấn. Tôi thuộc nhóm Xóm Rền. Khi Đoàn đến nơi, ổn định chỗ ở. Sáng hôm sau gặp Thày ở “di chỉ”. Cạnh Thày có Thày Hán Văn Khẩn, cùng là giáo viên Bộ môn Khảo cổ, quê ở ngay tại đó, và anh Phan Trọng Kiểm, sinh viên khảo cổ năm cuối. Bài học đầu tiên : Chọn hướng trên địa bàn, đóng cọc căng dây tạo hố đào. Sau đó chia ô và mỗi nhóm ba người một ô, dùng cuốc xẻng, bay và chổi lông đào từng lớp 20cm một. Hiện vật được định vị toạ độ, đánh số và lưu trong “bị cói”. Tôi và “Hùng con” (sau này là đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên trưởng phòng Văn Hoá báo Quân Đội Nhân Dân) được Thày giao việc này. Có ba kỷ niệm Thày Trò đáng nhớ trong đợt khai quật đầu tiên : Một hôm, khi phát hiện một ngôi mộ còn hình hài xương cốt, Thày Tấn nhặt một mảnh xương trắng bở văng ra từ nhát bay ở phần đùi bộ xương rồi đưa lên miệng nhấm nhẹ, suy ngẫm. Ông nhìn đám học trò chúng tôi bao quanh như gợi ý làm theo. Chỉ có tôi và Hùng con tin Thày và làm theo, cảm nhận độ dính như kẹo bột. “Đúng đấy ! hoá thạch non” Thày giảng giải, đó cũng là cách mà các nhà địa chất châu Âu thường dùng để kiểm tra độ hoá thạch của xương ở hiện trường khai quật. Sau này, tôi và Hùng được nhận vào Bộ môn Khảo cổ và được Thày ưu ái có lẽ cũng do sự “liều mạng” theo Thày hôm đó. Lại chuyện nữa, Thày thường ra các bài toán để thử tuyển lọc trí thông minh của học trò. Hôm đó, nghỉ trưa, Thày Trò chia nhau nằm dưới các bóng mát giữa các rãnh sắn, Thày đố ai đếm được nhanh nhất đã và đang có bao nhiêu cọng lá trend một thân sắn. Đáp số không phải là con số cụ thể mà là cách tính số lá từng khoanh nhánh và nhân với tổng số khoanh. Sau này, khi về dạy chuyên ban, ngủ lại với chúng tôi, Thày cũng từng đưa ra những bài toán logic đa ẩn số như SEND+MORE=MONEY và cásh sàng lọc nhận diện của Schlieman nhà khảo cổ học Đức để dãn sự đeo bám quấy rầy của đám trẻ hiếu học, ham chuyện chúng tôi. Chuyện thứ ba là hôm bất chợt chúng tôi photo hiện một đầu gà bằng gốm, vốn gãy ra từ một đồ gốm Phùng Nguyên nàp đó. Thai cầm ngắm đầu gà, lặng người, suy ngẫm hồi lâu rồi cười phá lên rất to, dõng dạc tuyên bố : “Cô Tuyết (Cán bộ lớp tôi phụ trách hậu cần), tối nay “ăn tươi”, tôi chiêu đãi !” Cả lớp hò reo, không phải như Thày vì phát hiện đầu gà bằng gốm sớm mà vì nghĩ đến những đầu gà thật sẽ bị cắt tiết tối nay. Đó là một buổi tối vui, rất vui. Cho đến nay cái đầu gà đó vẫn là biểu tượng của địa điểm Xóm Rền và của Văn hoá Phùng Nguyên nữa.

Học các loại Sử trong ba năm, cuối năm 1971, bắt đầu vào năm thứ tư chúng tôi phân Ban chuyên ngành hẹp. Các Thày chọn Trò và chúng tôi cũng tìm chọn Thày. Tôi đến nha Thày Tấn một buổi tối ở Phan Huy Chú. Khi đó Thày còn “độc thân” lại bị cảm viêm họng, nằm trên giường cá nhân ở căn phòng tầng hai số nhà 20 Phan Huy Chú, chung phòng với Thày Thích dạy ở khoa Vật Lý cùng Trường. Khi tôi hỏi ý kiến Thày, vẫn kiểu dửng dưng vốn có, Thày nói :”Kệ Cậu thôi chứ”, ý là tuỳ cậu tự chọn. Nhưng khi tôi chào thày ra về, Thày bắt tay tôi, nói nhanh và rất khẽ :” Cậu đi Khảo cổ với Tớ đi”. Và cuộc đời tôi đã định hướng như thế đấy : Tôi là nhà khảo cổ học !

Năm đó, tôi, “Hùng con” và Đỗ Hảo theo Thày đi Tứ Xã (Phú Thọ) đào Ghệ, Dạ để làm luận văn. Đang khai quật, Thày nghỉ một tuần về Hà Nội. Khi Thày lên vào đêm muộn hôm ấy, sáng dậy, tôi thấy một gói kẹo lạc trứng chim dưới gối. Thày vẫn nhớ “Cậu Việt hay ăn kẹo lạc”. Mới biết Thày về cưới vợ là chị Quỳnh Nga, con gái Hoạ sĩ Mạnh Quỳnh, đang làm hoạ sĩ ở Viện Khảo cổ học. Tết năm ấy, đào xong, chờ chỉnh lý và viết báo cáo thì cả Tôi và Hùng con đều đi bộ đội, Đỗ Hảo đi Phóng viên chiến trường, để lại gánh nặng chỉnh lý báo cáo lên vai Thày. Sau này, trong quân ngũ, tôi có nhận được thư của Thày nhớ về những ngày giá lạnh Ghệ, Dạ năm ấy. Trong thư Thày xúc động, đã xưng “Anh” và gọi chúng tôi là “Em”. Phải nói năm đó chúng tôi rất bám Thày, thường đến 20 Phan Huy Chú “quấy” Thày đến nửa đêm khiến gây ồn cho các gia đình Thày khác ở hàng xóm. Thường đến khoảng 11,12 giờ đêm, có hôm chờ hoa quỳnh nở xong, Thày Tấn đảy từng đứa chúng tôi ra khỏi cửa để khoá lại, Thày Trò bịn rịn khó rời. Đây là biệt thư như giống khu tập thể mà gia đình giáo sư Trần Văn Giàu (ở tầng ba) đã dành hai tầng dưới cho các học trò : Tầng một Thày Kiều Xuân Bá và Thày Trịnh Nhu, tầng hai Thày Tấn và Thày Thích.

Hết chiến tranh chống Mỹ năm 1975, khi này tôi đã về dạy Văn, Sử ở Bộ Tư Lệnh Hải quân, thường có dịp về họp ở Hà Nội, luôn đến thăm và mượn sách của Thày. Một hôm Thày nói với tôi : “Tớ đã giới thiệu cậu với Thày Phan Hữu Dật (vốn là Chủ nhiệm Khoa Sử lên làm Hiệu trưởng Đại học Tổng Hợp) để cậu về Trường đi học Gerasimov (chuyên gia Nga phục dựng mặt người theo sọ), nhưng cụ Ghê (Gerasimov) mất rồi, mình giới thiệu cậu về chỗ anh Thông (giáo sư Phạm Huy Thông, viện trưởng Viện Khảo cổ học)”. Lời giới thiệu của Thày Tấn rất có giá trị. Giáo sư Thông đặc biệt yêu mến và tin tưởng Thày Tấn, đã cử cán bộ Tổ chức đến tận Bộ tư lệnh Hải quân ở Hải Phòng xin tôi về Viện. Nếu không có sự kiện này, cuộc đời tôi sẽ theo một hướng khác, khi mà lãnh đạo Bộ Tư lệnh Hải quân đang hướng tôi thành sĩ quan Bảo tàng Quân chủng. Đời Khảo cổ của tôi mãi mang ơn người Thày, người Anh như vậy.

Về Viện Khảo cổ, tôi càng có dịp gần gũi Thày Tấn. Vì từ 61 Phan Chu Trinh của Viện Khảo cổ đến 20 Phan Huy Chú chỉ là một đoạn mấy trăm mét Hàn Thuyên. Hàng ngày, hết giờ làm buổi trưa hay chiều tôi đều tạt qua thăm thày. Giáo sư Phạm Huy Thông cũng thường nói tôi giữ mối liên hệ để học hỏi từ Thày. Ông đặc biệt trân trọng và tin tưởng ở Thày Tấn. Khi đó, tôi làm Trưởng ban trị sự Tạp cho Khảo cổ học. Gio sư Thông luôn nhắc tôi đến đặt bài Thày Tấn. Gần như mọi bài viết của Thày Tấn cho Tạp chí hay Thông báo Khảo cổ học, giáo sư Thông đều lưu but cho Ban biên tập : “Để nguyên, không sửa”. Cũng chính giáo sư Thông đã ủng hộ phong hàm giáo sư cho bốn Thày Lớn của Khoa Sử và đã đề nghị giáo sư Tấn về làm Viện trưởng Viện Khảo cổ học khi ông nghỉ quản lý.

Vào khoảng những năm cuối 1970, đầu 1980, Thày Tấn nói tôi tập hợp một Nhóm khảo cổ học trẻ (có Ngô Thế Phong, Nguyễn Khắc Sử, Bùi Vinh…) đặt tên Nhóm là “Phan Huy Chú” lấy tên phố nhà Thày mà chúng tôi thường tụ tập. Khi này Thày Thích đã chuyển đi nơi khác, căn phòng tầng hai chỉ có gia đình Thày Tấn. Cháu Cẩn cũng đã ra đời và Thày đón Mẹ từ quê ra ở cùng. Chúng tôi họp nhau mỗi tuần một buổi vào chiều thứ bảy (khi đó vẫn làm việc cả ngày thứ bảy). Nội dung thường là Thày Tấn giao cho chúng tôi, tuỳ kiến thức ngoại ngữ, các tài liệu khảo cổ học mới để đọc, tập hợp và thay nhau trình bày trước nhóm. Đôi khi Thày giao chúng tôi hướng dẫn luận văn tốt nghiệp Đại học và làm tư liệu cùng thày thực hiện những chuyên đề lớn. Nguyện vọng của Thày nhen nhóm một Trường Phái (school) trong Khảo cổ học. Cũng khoảng đó Thày có dịp đi dạy ở Pháp và nhận hàm Giáo sư đặc cách. Đó là những tháng ngày rạng rỡ nhất của Thày Trò chúng tôi.

Viet Nguyen

 

 

 

OTHERS NEWS



[2/25/2010] Vĩnh biệt Ngô Sĩ Hồng

[1/11/2010] Vĩnh biệt bàn tay vàng khảo cổ Đoàn Đức Thành

[8/19/2008] Prof. Nguyen Duy Hinh passed away

Top  |   Print |   Email


 

Web Design by thietkeviet.com - © Copyright 2008 - 2024 by Dr. Nguyen Viet. All rights reserved.